Thị trường Belarus, điểm đến tiềm năng cho các DN Việt Nam

20/03/2025 7:41 AM

(Chinhphu.vn) - Tiềm năng hợp tác thương mại giữa Belarus và Việt Nam thông qua Sàn giao dịch hàng hóa toàn cầu Belarus (BUCE) là rất lớn, trong đó có nhiều mặt hàng vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Thị trường Belarus, điểm đến tiềm năng cho các DN Việt Nam- Ảnh 1.

Tại Hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư vào thị trường Belarus, các đại biểu cho rằng, tiềm năng hợp tác thương mại giữa Belarus và Việt Nam thông qua Sàn giao dịch BUCE là rất lớn. Ảnh: VGP/LA

Chiều ngày 19/3, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Belarus tại TPHCM và Trung tâm tiếp thị và nghiên cứu giá cả quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Cộng hòa Belarus tổ chức Hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư vào thị trường Belarus.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC cho biết, Belarus, với nền kinh tế trên đà tăng trưởng và chính sách đầu tư thông thoáng, đang nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam, đặc biệt kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực.

Theo cam kết, hai bên đã dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Belarus cũng như các nước trong khu vực.

Một dấu mốc quan trọng khác trong quan hệ song phương là Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông giữa Việt Nam và Belarus, chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 1 năm 2025. Chính sách này không chỉ tăng cường mối quan hệ hữu nghị mà còn mở ra nhiều cơ hội mới trong các lĩnh vực giao lưu văn hóa, thúc đẩy thương mại và phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của quan hệ Việt Nam - Belarus.

Về thương mại song phương, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 60 triệu USD. Tuy nhiên mức tăng trưởng này chưa tương ứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nổ lực mở rộng thị trường xuất khẩu. Riêng TPHCM với vị trí chiến lược và vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, luôn đi đầu về giá trị xuất khẩu và là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp trong nước với các đối tác quốc tế. Sự quan tâm của doanh nghiệp TPHCM đối với thị trường Đông Âu, đặc biệt là Belarus, ngày càng gia tăng.

Tổng Lãnh sự Belarus tại TPHCM, ông Kiryl Halantsou nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị và hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Belarus và Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác ưu tiên của Belarus tại Đông Nam Á. Ông Kiryl Halantsou nêu bật tác động tích cực của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu và tiềm năng lớn trong hợp tác liên vùng, đặc biệt giữa Minsk và TPHCM.

Ông Kiryl Halantsou chỉ ra sự bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế và mong muốn phát triển hợp tác lên một tầm cao mới thông qua các liên doanh sản xuất công nghệ cao, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia các triển lãm thương mại như Vietnam Expo để thúc đẩy quan hệ hợp tác.

Tại hội thảo, ông Alexander Evdokimenko đến từ Sàn giao dịch hàng hóa toàn cầu Belarus (BUCE) đã giới thiệu BUCE là một sàn giao dịch hàng hóa giao ngay hiệu quả, với hơn 35.000 người mua và người bán từ 80 quốc gia, với các mặt hàng giao dịch chính bao gồm sản phẩm nông nghiệp, gỗ, kim loại và hóa dầu.

Ông Alexander Evdokimenko cho rằng, tiềm năng hợp tác thương mại giữa Belarus và Việt Nam thông qua BUCE là rất lớn trong đó có nhiều mặt hàng vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như rau quả, dược phẩm, cao su, quần áo bảo hộ, gạo, ngũ cốc…

Cũng tại hội thảo, ITPC và Trung tâm tiếp thị và nghiên cứu giá cả quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Cộng hòa Belarus đã đạt được sự đồng thuận về việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, tập trung vào các điều khoản trọng tâm như trao đổi thông tin, thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại, tổ chức các sự kiện kinh doanh chung, chia sẻ ấn phẩm và các nghiên cứu chuyên sâu. Đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm gắn kết mối quan hệ hợp tác, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, thúc đẩy giao thương, đầu tư và phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.

Anh Lê

Top