Thủ Đức xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị trên nền tảng GIS

05/04/2023 7:51 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 4/4, UBND TP. Thủ Đức tổ chức hội thảo Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác trên địa bàn TP. Thủ Đức.

Thủ Đức xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị trên nền tảng GIS - Ảnh 1.

Góp ý vào Đề án của TP. Thủ Đức, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, TP. Thủ Đức nên bám sát chiến lược dữ liệu của TPHCM, cân nhắc giữa mục tiêu và nguồn lực để đảm bảo tính hiệu quả khi triển khai - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng nhận định Thủ Đức có vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Đến nay, TP. Thủ Đức đã phê duyệt kế hoạch phát triển đô thị thông minh và chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong 2 năm qua, TP. Thủ Đức làm được một số công việc trong thực hiện đô thị thông minh và chuyển đổi số. Tuy nhiên, một trong những vấn đề rất lớn và rất mới là quản lý dựa trên công nghệ GIS.

Do đó, TP. Thủ Đức đặt ra yêu cầu xây dựng đề án cơ sở dữ liệu GIS từ nay đến năm 2025 như một cấu phần trong xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số.

"TP. Thủ Đức với quy mô dân số 1,2 triệu người do đó, yêu cầu quản lý Nhà nước phục vụ cho người dân, trong đó có việc sử dụng các công nghệ về GIS là rất cần thiết", ông Phùng cho biết.

Tại Hội thảo, chính quyền TP. Thủ Đức đưa ra mục tiêu, yêu cầu sản phẩm cụ thể để các doanh nghiệp tham gia góp ý, xây dựng giải pháp phù hợp.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, cơ sở dữ liệu đô thị tại TP. Thủ Đức đang gặp một số hạn chế, bất cập như dữ liệu của các ngành, lĩnh vực được xây dựng, lưu trữ rời rạc, phân tán ở nhiều các cơ quan và quản lý ở các định dạng khác nhau, chưa bảo đảm chất lượng và tính duy nhất để sử dụng hiệu quả.

Do đó, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên nền tảng GIS dùng chung là rất cần thiết nhằm xây dựng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu đã được chuẩn hóa, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành, thống kê báo cáo và ra quyết định của lãnh đạo thành phố. Đồng thời, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác cho doanh nghiệp, người dân, giúp tiết kiệm chi phí, tránh đầu tư trùng lặp, tạo tiền đề thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp miền Nam - Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel ủng hộ mô hình mà TP. Thủ Đức triển khai.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng khi vạch ra chiến lược cần cân nhắc về mục tiêu và nguồn lực. Mục tiêu quá rộng thì nguồn lực sẽ không đảm bảo và khó triển khai. Bên cạnh đó, cần phải bám sát chiến lược dữ liệu của TPHCM, trong đó chủ yếu tập trung vào hai nhóm là đất đai và con người.

Đồng thời, TP. Thủ có thể mở rộng khai thác dữ liệu dùng chung của Thành phố và liên thông với các đơn vị khác để phục cụ xử lý thủ tục hành chính cho lĩnh vực đất đai hiệu quả hơn.

Đối với dữ liệu con người như y tế, giáo dục khi được đồng bộ giữa kho dữ liệu dùng chung của TPHCM thì Thủ Đức cũng như các quận, huyện nhanh chóng phát triển các ứng dụng khai thác dữ liệu vì mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

"Phải lấy người dân làm trung tâm. Ví dụ trong giải quyết thủ tục hành chính là để người dân tương tác và phản ánh nhanh chóng về quy trình, thủ tục. Trong y tế thì việc kết nối các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm giúp bất kỳ người dân khi thăm khám chỉ cần dùng một cái ứng dụng (app) đã tích hợp đầy đủ dữ liệu để có thể khám ở bất cứ nơi nào... ", ông Nguyễn Hữu Tuấn góp ý.

Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP. Thủ Đức Nguyễn Thị Thiêm cho rằng khi xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên nền tảng GIS dùng chung cần đi từng bước một, bắt đầu từ những nhu cầu của người dân.

TP. Thủ Đức xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên nền tảng GIS, nhằm phát triển hệ sinh thái số với 3 trụ cột chính: Hệ thống Kho dữ liệu dùng chung; Hệ thống thông tin tác nghiệp địa lý; Hệ sinh thái dữ liệu mở.

3 trụ cột này tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, kinh tế, tư pháp, lao động, tôn giáo... trên địa bàn.

Băng Tâm

Top