Tìm giải pháp giúp DN xuất khẩu giảm chi phí logistics

21/12/2022 8:19 AM

(Chinhphu.vn) - Sự phát triển của ngành logistics nhờ vào việc Việt Nam đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với những cam kết sâu rộng và toàn diện, mang tới nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và các DN logistics nói riêng.

Tìm giải pháp giúp DN xuất khẩu giảm chi phí logistics - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất với mức tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại Diễn đàn Logistics khu vực châu Âu - châu Mỹ 2022 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 20/12, tại TPHCM

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất với mức tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm, đóng góp vào GDP từ 4 đến 5%.

Theo Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do Agility vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng top 50 quốc gia đứng đầu thị trường logistics mới nổi, đứng thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á.

Sự phát triển của ngành logistics gắn liền với những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với những cam kết sâu rộng và toàn diện, mang tới nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp logistics nói riêng. Nổi bật trong bức tranh hội nhập kinh tế của Việt Nam là sự phát triển trong quan hệ hợp tác thương mại với khu vực châu Âu - châu Mỹ.

Tuy nhiên, hiện nay DN Việt Nam khi trao đổi thương mại với thế giới nói chung và với khu vực châu Âu – châu Mỹ hiện nay vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến các vấn đề như, cơ sở hạ tầng hạn chế, thiếu đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics như kho bãi, trung tâm logistics; quy trình thủ tục hải quan còn chồng chéo; doanh nghiệp logistics còn thiếu thông tin; thiếu liên kết,... Đây là những hạn chế rất lớn khiến chi phí logistics của Việt Nam luôn ở mức rất cao, là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Là một trong những ngành hàng xuất khẩu lớn sang khu vực châu Âu - châu Mỹ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết, với đặc thù là nhóm hàng có thể tích lớn, cồng kềnh nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển. 1 container gỗ trị giá 20.000 - 30.000 USD, trong đó chi phí logistics chiếm tới 20-30%. "Hiện nay, mặc dù cước vận tải nước ngoài giảm sâu nhưng chi phí logistics nội địa đang cao và có xu hướng tăng lên" ông Phương cho biết

Sử dụng tích hợp chuỗi dịch vụ khai báo hải quan

Bà Võ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM (HLA) cho biết, hiện nay chi phí logistics trung bình của Việt Nam ở mức 16,8 – 17% giá trị hàng hóa nhưng có những doanh nghiệp phải chi trả tới 20 – 25%.

Bà Lan cho rằng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên thay đổi điều kiện bán hàng từ FOB sang mua hàng CIF nhằm chủ động hơn trong việc sử dụng các lịch vận chuyển phù hợp, tìm kiếm nhà cung cấp cạnh tranh uy tín nhằm tiết kiệm chi phí cước tàu và các rủi ro trong quá trình vận chuyển.

Ngoài ra, tối ưu hóa chi phí logistics bằng cách sử dụng tích hợp chuỗi dịch vụ khai báo hải quan, vận chuyển nội địa. Theo tính toán, nếu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng tích hợp các dịch vụ sẽ tiết kiệm chi phí logistics từ 500.000/container so với việc sử dụng dịch vụ đơn lẻ.

Về chi phí vận chuyển nội địa, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, cần có cơ chế để liên kết khai thác và luân chuyển hàng hóa giữa các bến cảng trong khu vực Cái Mép - Thị Vải (cơ chế "cảng mở"), nhằm tối ưu hóa công suất khai thác và tận dụng tối đa cầu bến của nhau, giải quyết được các hạn chế về cầu bến như hiện nay, giảm chi phí logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua khu vực nàỳ. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường thay đổi phương thức vận tải nội địa từ đường bộ sang đường thủy nội địa.

Lê Anh

Top