Tới TPHCM nghe chuyện về áo dài - tâm hồn, văn hóa người Việt

17/03/2022 5:14 PM

(Chinhphu.vn) - Như việc lái xe cần nhìn gương chiếu hậu, không một dân tộc hay quốc gia nào có thể phát triển vững chắc nếu không biết quý trọng lịch sử, văn hóa của mình.

Tới TPHCM nghe chuyện về áo dài - tâm hồn, văn hóa người Việt - Ảnh 1.

Bảo tàng Áo dài 77 Nguyễn Huệ. Du khách rẽ lối đi bên trái, tới thang máy bấm lầu 2 để vô bảo tàng - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Áo dài của Việt Nam có từ rất lâu, đã có nhiều cải tiến khi đồng hành cùng bước tiến của dân tộc. Áo dài làm bạn với người phụ nữ Việt từ tấm bé và chứng kiến sự trưởng thành của họ theo năm tháng. Để chính người bản địa hay du khách trong và ngoài nước được tìm hiểu về áo dài, TPHCM đã có nhiều hoạt động tuyên truyền cũng như gìn giữ nét văn hóa này.

"Đằm lại chút đi, em đang mặc áo dài mà"

Với mỗi người con gái Việt Nam, chiếc áo dài là niềm tự hào, tượng trưng cho phẩm giá tôn quý của họ. Lần đầu các cô mặc áo dài thường là do bố mẹ mặc cho khi đi chúc tết hồi nhỏ, lớn hơn nữa là khi đã thành nữ sinh cấp 3. Các cô nữ sinh đang tuổi lớn, nghịch ngợm thường khó thích nghi được ngay với tà áo dài nền nã. Chẳng thế mà nhiều cô thường buộc tà lại rồi hồn nhiên đá cầu hay đạp xe cho tiện. Nhưng có sao đâu, chiếc áo dài nhẹ nhàng như lạt mềm, tự bản thân nó sẽ có cách đưa các cô "vô khuôn" dần.

Như một nếp gia phong không đổi, mỗi lớn các cô gái Việt lại càng ý thức trân trọng áo dài hơn. Các cô mặc ở trường đại học đã có nét thanh lịch hơn hồi trung học. Khi đi làm, mỗi dịp lễ ở công sở, hay trong dịp tết, giao tế với người nước ngoài,… chiếc áo dài lại càng được quý trọng và chăm chút tỉ mỉ hơn về thiết kế, kiểu dáng. Cung cách của người mặc từ đây cũng đã sang trọng, chững chạc hơn. Các cô không còn nghe cô giáo nhắc: "Đằm lại chút đi, em đang mặc áo dài mà" như thời nữ sinh bởi bản thân đã tự "đằm lại" trong tà áo tự bao giờ.

Tới TPHCM nghe chuyện về áo dài - tâm hồn, văn hóa người Việt - Ảnh 2.

Không gian bảo tàng mang đậm bản sắc văn hóa Việt - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Áo dài Raglan

Nói về lịch sử áo dài của Việt Nam có thể kể ra các thời kỳ chính như: áo giao lĩnh (đối lĩnh) xuất hiện khoảng năm 1744, áo tứ thân, áo ngũ thân đi kèm khăn vấn, áo Lemur , áo Lê Phổ, áo Raglan, áo Miniraglan và áo dài truyền thống, áo dài cách điệu hiện nay.

Ấn tượng nhất trong ký ức nhiều người về tà áo dài Sài Gòn phải kể đến áo dài Raglan (xuất hiện khoảng năm 1958) của nhà may Dung Đakao (thành lập năm 1948), nằm kế bên chợ Đakao, số 146 - 148 đường Đinh Tiên Hoàng.

Có thể nói áo dài Raglan đã định hình cho chiếc áo dài truyền thống ngày nay. Chiếc áo do chủ tiệm là ông Đỗ Thành (1918-1970) tự Dung sáng tạo ra trên cơ sở kiến thức về cách may ráp tay raglan xéo vai trong Âu phục để vai áo không bị nhăn. Áo dài Raglan chiết eo ra đời cùng với chiếc áo nịt ngực được sử dụng rộng rãi đã tạo thành phong trào ở thành thị.

Tới cuối thập niên 60 áo Miniraglan lại được các nữ sinh ưa chuộng bởi sự trẻ trung, năng động với phần tà được làm ngắn lại. 

Áo dài Trần Lệ Xuân hay áo dài bà Nhu cùng thời cũng được thiết kế dựa trên phần eo ôm khít của áo dài Raglan và phần cổ dựa trên chiếc áo tầm vông của người Khmer chưa thành thân. Sự ra đời của kiểu áo này vốn cũng là để lăng xê cho áo dài Việt Nam.

Đạo diễn Thái Thúc Nha thừa lệnh bà Trần Lệ Xuân cần lăng xê thêm mốt áo dài đã tổ chức một buổi biểu diễn thời trang ở đường Đồng Khởi. Người mặc đầu tiên là nữ tài tử Kiều Trinh chứ không phải bà Nhu. Nhưng bà Nhu mới là người trực tiếp quảng bá nó đi khắp nơi từ trong nước tới quốc tế.

Tới TPHCM nghe chuyện về áo dài - tâm hồn, văn hóa người Việt - Ảnh 3.

Khách tham quan bảo tàng có hướng dẫn viên đi kèm - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Bảo tàng Áo dài - điểm đến của du khách khi tới TPHCM

Trong suốt lịch sử hình thành phát triển, tà áo dài đã đồng hành cùng phụ nữ Việt Nam, đi qua chiến tranh, trong ngày cưới, những buổi lễ long trọng, bàn đàm phán bang giao, ký kết hợp đồng kinh tế,… Không ít chiếc áo dài nay đã thành kỷ vật của một gia đình, một dòng họ hay rộng hơn nữa là bảo vật vô giá của quốc gia.

Nói tới người Việt yêu áo dài hẳn ai cũng không thể quên họa sĩ, nhà thiết kế Sỹ Hoàng. Ông đã tâm huyết với tà áo của dân tộc phần lớn cuộc đời mình. Ông là người khởi xướng việc vẽ trực tiếp lên áo dài, thiết kế nhiều bộ sưu tập áo dài có giá trị. Nhà thiết kế cũng dày công sưu tập rất nhiều tư liệu lịch sử về áo dài.

Hiện nay, tại TPHCM có hai cơ sở Bảo tàng Áo dài, là bảo tàng tư nhân thuộc nhóm bảo tàng chuyên đề của Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM được lên ý tưởng bởi Sỹ Hoàng.

Tại bảo tàng lưu giữ rất nhiều hiện vật, câu chuyện ý nghĩa về áo dài. Tới với không gian bảo tàng, du khách như được lạc vào một chiều không gian khác, đậm bản sắc văn hóa Việt cổ. Câu chuyện về áo dài sẽ được hướng dẫn viên diễn giải tường tận từ lịch sử áo dài với minh họa sinh động tới vẻ đẹp các bộ sưu tập mới sau này.

Bên cạnh đó, áo dài của những nhân vật nổi tiếng như bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Nguyễn Thị Định, bà Đặng Hồng Nhựt,… cũng được trưng bày cùng chú thích rõ ràng.

Bảo tàng Áo dài có hai cơ sở là: lầu 2, 77 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Q.1, TPHCM và 206/19/30 Long Thuận, Long Phước, Q.9, TPHCM.

Với cơ sở tại Quận 9, du khách có thể đón xe bus số 88 từ cổng chợ Bến Thành để tới thăm quan. Cả hai cơ sở đều có mức vé tham quan là 50.000 đồng, riêng học sinh - sinh viên là 30.000 đồng. Ngoài ra, tại 77 Nguyễn Huệ du khách có thể chọn dùng bữa tại nhà hàng ở tầng trệt, cầm hóa đơn lên lầu 2 lối vào bảo tàng sẽ được miễn phí vào cửa.

Ngày 5/3 vừa qua, TPHCM tổ chức Lễ hội Áo dài. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng đã khai mạc khu trưng bày chuyên đề "Áo dài - Nhân vật và Sự kiện".

Tại đây giới thiệu các bộ áo dài gắn với các nhân vật lịch sử là phụ nữ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với nhiều tư liệu quý. Đi kèm còn có hoạt động nhận và may đo áo dài với các chương trình giảm giá khi may áo dài, giảm giá mua vải áo dài trong thời gian cao điểm từ ngày 7 - 11/3/2022.

Tới TPHCM nghe chuyện về áo dài - tâm hồn, văn hóa người Việt - Ảnh 4.

Áo dài Lemur - do họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1912 -1946) có bút hiệu Lemur Cát Tường khởi xướng - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Tới TPHCM nghe chuyện về áo dài - tâm hồn, văn hóa người Việt - Ảnh 5.

Áo dài Raglan của thập niên 60

Tới TPHCM nghe chuyện về áo dài - tâm hồn, văn hóa người Việt - Ảnh 6.

Áo dài Trần Lệ Xuân, phu nhân ông Ngô Đình Nhu, nên còn gọi là áo dài bà Nhu

Tới TPHCM nghe chuyện về áo dài - tâm hồn, văn hóa người Việt - Ảnh 7.

Áo dài cưới của bà Tôn Nữ Thị Ninh. Chiếc áo dài này đã truyền từ đời bà của bà, tới mẹ bà và tới bà là 3 thế hệ - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Tới TPHCM nghe chuyện về áo dài - tâm hồn, văn hóa người Việt - Ảnh 8.

Áo dài hội nhập quốc tế. Từng chiếc đều có sự giao thoa với văn hóa các nước Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Iran, Philippines - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Tới TPHCM nghe chuyện về áo dài - tâm hồn, văn hóa người Việt - Ảnh 9.

Áo dài “Nối vòng tay lớn” là câu chuyện của những y bác sĩ, tình nguyện viên đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham gia vào lực lượng tuyến đầu chống COVID-19 đã dành tặng bảo tàng với thông điệp yêu thương, chia sẻ và trách nhiệm với cộng đồng - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Thùy Dương

Top