TPHCM bàn giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn

11/10/2024 1:14 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 11/10, Ban Nội chính Thành ủy TPHCM - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm "Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM".

TPHCM bàn giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn- Ảnh 1.

Ông Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM phát biểu đề dẫn tọa đàm - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, ông Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM, nêu rõ, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng luôn được Thành ủy, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các vụ án tham nhũng, tiêu cực không chỉ gây thất thoát nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào Đảng.

Ông Châu nhấn mạnh, xác định công tác thu hồi tài sản là nhiệm vụ quan trọng, Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị 30 nhấn mạnh việc phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, các cấp ủy đảng và các đơn vị chức năng trong việc nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản. Đây là những bước đi chiến lược, cụ thể hóa sự quyết tâm chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng của Thành phố.

Cũng theo Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM, từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM (Ban Chỉ đạo) đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả trong việc xử lý và thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng trên địa bàn.

Tài sản được thu hồi không chỉ đóng góp trực tiếp vào ngân sách nhà nước mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM nhìn nhận, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế trong những năm qua tại TPHCM còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Vì vậy, Tọa đàm là dịp để các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp thiết thực nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để đảm bảo quá trình thu hồi tài sản diễn ra liên tục, không bị gián đoạn.

Cùng với đó là các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về thu hồi tài sản, cho phép các biện pháp kê biên, phong tỏa được áp dụng sớm hơn trong quá trình điều tra. Đồng thời, cần có những biện pháp chế tài mạnh hơn đối với hành vi tẩu tán tài sản.

Bên cạnh đó, tọa đàm còn thảo luận, làm rõ việc ứng dụng công nghệ trong kiểm soát tài sản, việc sử dụng các công cụ công nghệ thông tin trong việc kiểm soát, truy vết dòng tiền, tài sản của những người có liên quan đến các vụ án tham nhũng; hiến kế giải pháp nâng cao nhận thức của từng cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị, người đứng đầu trong việc xác định công tác thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để có những giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả.

TPHCM bàn giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn- Ảnh 2.

Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Cần có quy định về quyền thanh, kiểm tra theo dõi biến động tài sản của người có chức vụ

Phát biểu tại tọa đàm, Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy cho biết giai đoạn 2021 - 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, ngành thanh tra Thành phố đã thực hiện 828 cuộc thanh tra, gồm 669 cuộc theo kế hoạch và 159 cuộc đột xuất.

Kết quả, các sai phạm thuộc các lĩnh vực như quản lý, sử dụng tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, lựa chọn nhà đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và một số lĩnh vực khác.

Cũng theo Chánh Thanh tra TPHCM, hiện nay quy định về thu hồi tài sản trong các vụ việc tham nhũng, kinh tế còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể; thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý các đối tượng thanh tra chây ì, cố tình né tránh, trốn tránh, chậm hoặc không nộp tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra.

Ngoài ra, cơ chế chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán chưa đồng bộ và còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi khi thi hành án và xử lý sau thanh tra.

Cơ quan thanh tra cũng không có thẩm quyền yêu cầu phong tỏa, kê biên tài sản ngay trong giai đoạn thanh tra đối với cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật. Do đó tiềm ẩn nguy cơ cao việc tẩu tán tài sản của bản thân người có hành vi sai phạm và những người thân thích của họ.

Ngoài ra, theo ông Bảy, việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cũng chưa thực sự chặt chẽ. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130 năm 2020 có quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức kiểm soát tài sản thu nhập, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Từ đó, Chánh Thanh tra TPHCM đề xuất các giải pháp khắc phục các khó khăn nêu trên.

Cụ thể, ông Bảy nhấn mạnh cần sớm xây dựng, hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần… tập trung, thống nhất, đồng bộ, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, đồng thời có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo thẩm quyền.

Đặc biệt, cần có quy định về quyền thanh, kiểm tra theo dõi biến động của mọi tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong quá trình thanh tra (kể cả việc tăng, giảm tài sản, thu nhập).

Ông Bảy nhấn mạnh, kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm tạo cơ sở quan trọng cho việc minh bạch hóa thu nhập và tài sản của người có chức vụ, quyền hạn là một giải pháp hết sức quan trọng nhằm phòng ngừa và phát hiện tham nhũng cũng như góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cho nhà nước.

Vũ Phong

Top