TPHCM: Có nguy cơ dịch chồng dịch

07/07/2022 9:50 AM

(Chinhphu.vn) - Để ngăn chặn dịch chồng dịch, theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng, trước hết ngành y tế phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực tương ứng với các tình huống dịch tễ theo diễn biến xấu của dịch COVID-19 và sốt xuất huyết để sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung, điều trị cho từng tình huống.

TPHCM đối mặt nguy cơ dịch chồng dịch - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng trình bày báo cáo tại Kỳ họp - Ảnh: VGP

Sáng 7/7, báo cáo tại Kỳ họp thứ 6 của HĐND Thành phố khóa X, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới và trên địa bàn.

Về dịch COVID-19, tình hình vẫn còn phức tạp, chưa có quốc gia nào tuyên bố chấm dứt dịch bệnh này.

Về dịch đậu mùa khỉ, hiện số ca mắc là trên 60.000 ca, xuất hiện ở 58 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu là tâm điểm của dịch bệnh với trên 62% số ca mắc, còn lại là ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ và có cả ở Đông Nam Á. WHO đã tổ chức họp Ủy ban Khẩn cấp 2 lần nhưng vẫn chưa công bố là đại dịch. TPHCM sẽ theo dõi và giám sát chặt ở các cửa khẩu. Ông Thượng cũng cho biết thêm, đây là dịch bệnh lây lan qua tiếp xúc chứ không phải lây lan qua đường không khí như COVID-19.

Riêng dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát rộng tại các tỉnh phía nam và TPHCM. Số ca mắc, số ca tử vong đang tiếp tục tăng và thực sự đáng báo động.

Dịch tay chân miệng hiện đã được kiểm soát.

"Như vậy, sau hơn 2 năm chống chọi với dịch COVID-19 và đã kiểm soát được bệnh dịch này, hiện Thành phố lại đang đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch và sẽ chịu nhiều hệ quả xấu về kinh tế-xã hội nếu để nguy cơ này tiếp tục", người đứng đầu ngành y tế Thành phố khẳng định.

Ông Thượng cho biết thêm, đối với dịch COVID-19, theo WHO, số ca mắc mới trong tuần qua đã tăng 18% so với tuần trước trên toàn thế giới; số ca tử vong trong tuần cũng tăng 3% so với tuần trước. Như vậy, sự gia tăng ca mắc và ca tử vong trên thế giới trong tuần qua tương ứng với các biến thể phụ là BA.4 và BA.5. BA.4 tăng từ 9% lên 12%, còn BA.5 tăng rất cao, từ 26% lên 47%.

Mới đây, Bộ Y tế đã công bố biến thể phụ BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam và Bộ Y tế đã ghi nhận số ca mắc mới bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, số ca nặng cũng bắt đầu tăng. Ngày 4/7 vừa qua, Viện Pasteur TPHCM công bố phát hiện thêm 2 ca dương tính với biến thể phụ BA.4 tại Thủ Đức và một ca dương tính với BA.5 tại Củ Chi. Tất cả các mẫu dương tính này đều được phát hiện ngẫu nhiên qua hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố.

Hệ thống giám sát dịch bệnh của Sở Y tế Thành phố ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày tăng trên 50 ca, trong khi trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca.

Theo Giám đốc Sở Y tế, số ca nhập viện và ca nặng ở Thành phố chưa có dấu hiệu tăng vọt.

Như vậy, tuy đã được kiểm soát ổn định nhiều tháng qua nhưng do các biến thể phụ mới của Omicron vẫn tiếp tục thống trị và lan nhanh trên toàn thế giới nên nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại vẫn đe dọa bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam và TPHCM.

Đối với dịch SXH, theo Viện Pasteur TPHCM, Thành phố ghi nhận huyết thanh virus dengue 1 gây SXH như năm ngoái, nhưng hiện ghi nhận thêm huyết thanh dengue 2. Chính huyết thanh dengue 2 này làm cho số ca mắc tăng nhanh, tương ứng số ca nặng và số ca tử vong cũng tăng.

Nếu như hằng năm, Thành phố ghi nhận vài chục nghìn ca mắc SXH vì đây là dịch bệnh lưu hành, trong đó có khoảng 5-10 ca tử vong thì chỉ riêng trong năm nay, tính đến ngày 5/7, tổng số ca mắc SXH đã trên 23.000 ca, trong đó có 11 trường hợp tử vong, người lớn có, trẻ em có, phụ nữ mang thai có.

Dự báo trong những tháng cao điểm của mùa mưa, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục tăng, số ca nặng và tử vong sẽ tăng nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống SXH ngay từ bây giờ.

Về các giải pháp ngăn chặn dịch chồng dịch, theo ông Thượng, trước hết ngành y tế phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực tương ứng với các tình huống dịch tễ theo diễn biến xấu của dịch COVID-19 và SXH để sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung, điều trị cho từng tình huống.

Đối với dịch COVID-19, cần đẩy nhanh hơn nữa tỉ lệ tiêm vaccine mũi nhắc lại, mũi 3 mũi 4 theo đúng tinh thần của chiến dịch tiêm vaccine do Chính phủ phát động. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về lợi ích của tiêm vaccine cho từng hộ gia đình. Ngành y tế luôn sẵn sàng tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, trong nhà máy, trường học…

Đối với SXH, cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng chống nên diệt loăng quăng, diệt muỗi được xem là biện pháp đơn giản, hiệu quả và là biện pháp căn cơ nhất. Việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp cấp bách làm giảm nhanh số lượng muỗi nhưng khi hết thời gian hóa chất tồn tại trong không gian thì lứa muỗi mới lại tiếp tục phát triển và truyền bệnh, do đó phun hóa chất diệt muỗi chỉ phát huy hiệu quả khi diệt loăng quăng được thực hiện triệt để trên toàn Thành phố.

Anh Thơ

Top