TPHCM nỗ lực thực hiện hoá Nghị quyết 98 trong triển khai các dự án PPP
(Chinhphu.vn) - Cần ban hành mẫu hợp đồng dự án PPP nhằm hướng tới hài hoà mối quan hệ giữa các bên trên nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa khu vực công - tư.
Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra tại phiên toàn thể Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư 2024, với chủ đề: Đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP) trong bối cảnh mới của TPHCM diễn ra ngày 24/4.
TPHCM kêu gọi 54 dự án đầu tư theo hình thức PPP
TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, TPHCM đã kêu gọi 54 dự án đầu tư theo hình thức PPP.
TPHCM cũng rất nỗ lực thực hiện hoá các quy định tại Nghị quyết 98 trong việc triển khai các dự án PPP trên địa bàn. Tuy vậy, có thể thấy, quá trình kêu gọi, triển khai các dự án PPP đang gặp một số vướng mắc như thiếu hướng dẫn cụ thể cũng như các vấn đề liên quan đến tính phù hợp của hình thức PPP đối với một số dự án.
PGS.TS Dương Đăng Huệ, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp), nhận định Luật PPP hiện nay đang có nhiều quy định chưa rõ ràng, chồng chéo và gây ra sự bất tương xứng khi áp dụng trên thực tế. Một số thiếu sót điển hình được bà Huệ nhắc tới đó là chưa có quy định về trách nhiệm của nhà nước khi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng; cơ chế cho việc phân chia lợi nhuận rủi ro chưa thực sự công bằng và gây tốn kém thời gian cho nhà đầu tư; nhà đầu tư không được tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, kinh doanh dự án PPP.
Cần ban hành mẫu hợp đồng dự án PPP
Từ những đánh giá và phân tích thực tiễn, PGS.TS Dương Đăng Huệ khuyến nghị Quốc hội cần thực hiện hoạt động giám sát thực hiện Luật PPP; trong khi các cơ quan ban ngành chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời Luật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn; cần nghiên cứu, soạn thảo và ban hành mẫu hợp đồng dự án PPP.
Bên cạnh đó, các cơ quan ban ngành liên quan, các địa phương cũng cần có sự tổng hợp liên tục các vướng mắc, bất cập để đồng hành cùng nhà đầu tư, kịp thời giải quyết các vấn đề của họ. Có như vậy, dự án PPP mới thu hút được các nguồn đầu tư mới, có nhiều cải thiện hơn và triển khai hiệu quả hơn.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Linh Giang, Chánh Văn phòng PPP (Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư), cho biết từ khi Luật PPP ra đời và có hiệu lực vào năm 2021, có tổng cộng 36 dự án được triển khai theo hình thức PPP. Trong đó, đa phần các dự án được thực hiện dưới dạng hợp đồng BOT (28/36 dự án), còn lại các dự án được thực hiện dưới dạng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT), Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO) và 1 dự án triển khai dưới dạng hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M).
Điều này có thể khẳng định mức độ ưa thích của nhà đầu tư khi lựa chọn loại hợp đồng. Bà Nguyễn Thị Linh Giang cũng khẳng định cần có hợp đồng mẫu nhằm hướng tới hài hoà mối quan hệ giữa các bên trên nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa khu vực công - tư, phù hợp với từng lĩnh vực, tương ứng với nhu cầu của từng ngành. Có như vậy, hợp đồng mẫu mới phát huy tác dụng triệt để - là một công cụ để làm rõ quyền, lợi ích, nghĩa vụ, tạo căn cứ để phòng ngừa những rủi ro, xây dựng phương án xử lý hiệu quả cho từng trường hợp.
Anh Lê