TPHCM tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

16/01/2024 2:39 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 16/1, lãnh đạo UBND TPHCM đã có chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Thành phố.

TPHCM tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực- Ảnh 1.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM họp phiên thứ 6, ngày 4/1/2024

Tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm

Cụ thể, các đơn vị tại TPHCM tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời, bài bản, hiệu quả các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng theo quy định pháp luật, theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND Thành phố.

Chỉ đạo của UBND Thành phố cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND.TP Thủ Đức và các quận, huyện kịp thời triển khai tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố và UBND Thành phố về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời chú trọng xây dựng kế hoạch về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và triển khai có hiệu quả công tác hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, công tác kiểm tra, theo dõi văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngành chức năng cần tiếp tục phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Thực hiện nghiêm giải pháp phòng ngừa tham nhũng

Mặt khác, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Công khai, minh bạch các lĩnh vực theo quy định tại Điều 10 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; lập kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác và thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định; xây dựng các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp quy định pháp luật và tình hình thực tế; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Thanh tra Thành phố.

Bên cạnh đó, thường xuyên chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, kiểm soát xung đột lợi ích và nâng cao năng lực phát hiện tham nhũng qua giải quyết tố cáo; qua công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ. Tăng cường các biện pháp thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra tình hình tổ chức, hoạt động của các tổ chức xã hội do Chủ tịch UBND Thành phố quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện theo quy định. Các cơ quan liên quan kịp thời tham mưu UBND Thành phố có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh các đơn vị chưa thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Lãnh đạo UBND Thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với các tổ chức tín dụng theo quy định.

UBND Thành phố cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức đoàn thể, cơ quan báo chí thường xuyên tăng cường sự giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và chính quyền.

Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát và Cục Thi hành án dân sự Thành phố nâng cao công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng. Đồng thời thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt...

Ngày 4/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM đã tổ chức Phiên họp thứ sáu dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị từng thành viên Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực cần rà soát, đối chiếu lại các công việc đã làm được, chưa làm được theo chương trình, kế hoạch và ý kiến chỉ đạo của Trung ương, để đưa vào chương trình công tác năm 2024; từ đó chuẩn bị, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo.

Ban hành kết luận kiểm tra đối với các đoàn kiểm tra, giám sát chuyên đề; tổ chức thực hiện trong thực tiễn Đề án "Một số giải pháp phòng ngừa vi phạm tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp nhà nước", khẩn trương hoàn thành Đề án "Vận dụng, triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung khi có rủi ro trong thi hành công vụ". Đồng thời các cơ quan tố tụng sớm đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc nhằm tạo dư luận tích cực trong nhân dân.

Hồng Đức

Top