TPHCM tăng tốc, sớm đưa Nghị quyết 98 vào cuộc sống
(Chinhphu.vn) - Sau 9 tháng thực hiện Nghị quyết 98, đến cuối tháng 4/2024, HĐND Thành phố đã tổ chức 5 kỳ họp, thông qua 30 nghị quyết, cụ thể hóa 18/27 cơ chế, chính sách thuộc 14 nhiệm vụ và 13 thẩm quyền. Theo đó, nhiều nghị quyết đem lại hiệu quả thiết thực ngay sau khi triển khai.
Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội quy định một số chính sách, cơ chế đặc thù phát triển TPHCM đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Nghị quyết đã trao cho TPHCM những cơ chế vượt trội về quản lý đầu tư, tài chính; quản lý ngân sách nhà nước; quản lý đô thị-tài nguyên môi trường; ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư chiến lược; quản lý KH&CN và đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy chính quyền TPHCM và TP. Thủ Đức, tạo không gian phát triển mới cho Thành phố.
Để triển khai Nghị quyết, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, các sở ngành, đơn vị, địa phương đã nỗ lực, khẩn trương sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, khai thác hiệu quả các tiềm năng và huy động nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thành phố.
Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, sau 9 tháng thực hiện Nghị quyết 98, đến cuối tháng 4/2024, HĐND Thành phố đã tổ chức 5 kỳ họp, thông qua 30 nghị quyết, cụ thể hóa 18/27 cơ chế, chính sách thuộc 14 nhiệm vụ và 13 thẩm quyền.
Theo đó, nhiều nghị quyết đem lại hiệu quả thiết thực ngay sau khi triển khai như Nghị quyết về bố trí vốn cho hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm, giúp người dân nghèo Thành phố thoát nghèo. Kết quả bước đầu cho thấy, từ khi thực hiện Nghị quyết 98 đến nay, nguồn vốn cùng điều kiện vay được mở rộng, Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố và quận, huyện đã giải ngân cho khoảng 62.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với tổng số tiền khoảng 4.500 tỷ đồng.
Hay Nghị quyết về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức cũng được mở rộng đến một số đối tượng như các hội đặc thù, các cơ quan Trung ương.
Ngoài ra, HĐND TPHCM và TP. Thủ Đức cũng đã thông qua các nghị quyết về thành lập các đơn vị sự nghiệp, cơ quan hành chính của TP. Thủ Đức, trong đó quy định trách nhiệm, chức năng hoạt động, từ đó giúp gỡ cho Thủ Đức rất nhiều vướng mắc từ khi thành lập.
TPHCM cũng đã thực hiện tăng số lượng các phó chủ tịch cho một số địa phương và 52 xã, phường đông dân theo cơ chế của Nghị quyết 98, đồng thời cụ thể hóa cơ chế, chính sách về quy mô, tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án theo phương thức đối tác công-tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa; quy định chính sách hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo, chính sách ưu đãi đối với chức danh lãnh đạo trong tổ chức KHCN; chuyển đổi kinh tế xanh…
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo tinh thần Nghị quyết 98
Theo ông Nguyễn Bắc Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, Sở Nội vụ cùng với các sở, ngành của Thành phố đã tham mưu UBND Thành phố ban hành 12 quyết định về phân cấp, ủy quyền cho 5 sở, ngành và các quận huyện, TP. thủ đức 12 nội dung thuộc 7 lĩnh vực về: Giải quyết thủ tục hành chính; KH&CN; tài nguyên và môi trường; xây dựng; nội vụ; đầu tư; quản lý chất thải rắn.
"Đây là 7 nội dung mà UBND Thành phố đã phân cấp và ủy quyền cho các sở, ngành, quận huyện. Sở Nội vụ sẽ tiếp tục cùng các sở, ngành tham mưu những nội dung phân cấp, phân quyền từ giờ đến cuối năm", ông Nam cho biết.
Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ, qua 9 tháng thực hiện, ban đầu việc phân cấp, phân quyền đã tạo được sự chủ động, phát huy vai trò người đứng đầu các đơn vị được ủy quyền.
Đồng thời, cơ bản giảm TTHC, rút gọn thời gian giải quyết công việc, phần nào đó tạo sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM cho biết thêm, Nghị quyết 98 tăng mạnh vấn đề phân cấp, ủy quyền để tạo cơ chế thông thoáng cũng như rút ngắn các thủ tục trên địa bàn. Tuy nhiên, các đơn vị được phân cấp, ủy quyền chưa được chủ động về nguồn nhân sự, do đó, để phân cấp, ủy quyền hiệu quả hơn thì phải tăng cường công tác tuyển dụng, bổ sung nhân sự cũng như đào tạo nhân sự để việc phân, cấp ủy quyền hiệu quả hơn trong quá trình thực hiện.
Còn đối với vấn đề phân cấp, phân quyền cho Thành phố, ông Nguyễn Bắc Nam cho biết, hiện UBND TPHCM đã cùng Bộ Nội vụ và các bộ, ngành tham mưu dự thảo về nghị định phân cấp cho Thành phố ở 8 lĩnh vực với 29 nội dung về: Đầu tư; kinh tế-tài chính-NSNN; quy hoạch xây dựng và tài nguyên môi trường; giao thông vận tải; y tế; giáo dục đào tạo; lao động và giáo dục nghề nghiệp; nội vụ.
Hỗ trợ phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo
Theo tinh thần Nghị quyết 98, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết 20 quy định về lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Sau khi có Kế hoạch của UBND Thành phố, Sở KH&CN Thành phố cũng ban hành kế hoạch và thông báo tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho cộng đồng khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn nhằm phổ biến nội dung của nghị quyết.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, cho tới nay, Sở đã nhận được hơn 48 hồ sơ đề xuất với hơn 133 dự án ĐMST trong một số lĩnh vực ưu tiên. Hiện Sở đang rà soát các hồ sơ và tổ chức hội đồng đánh giá độc lập, dự kiến trong tháng 5 sẽ tổ chức đánh giá và tuyển chọn các dự án, đồng thời thực hiện các bước tiếp theo hỗ trợ.
Đồng thời với Nghị quyết 20, HĐND Thành phố cũng ban hành Nghị quyết 27 về quy định mức thu nhập cho chuyên gia, nhà khoa học, những người có tài năng đặc biệt. Đây là Nghị quyết quy định mức thu lao từ 30-100 triệu đồng, chưa kể 100 triệu đồng hỗ trợ ban đầu cũng như hỗ trợ chi phí thuê nhà. Ông Dũng cho biết, Sở đã có thông báo để gửi đến các quận, huyện, sở, ngành rà soát các chương trình nội dung mà Thành phố yêu cầu thực hiện để thu hút chuyên gia, đồng thời đề xuất các vị trí gửi về Sở để tiến hành các bước tiếp theo.
Còn đối với Nghị quyết 19 của HĐND Thành phố quy định ưu đãi về tiền lương, tiền công cho một số lãnh đạo quản lý trong các tổ chức KH&CN công lập cũng như thù lao cho hoạt động nghiên cứu KH&CN, UBND Thành phố đã ban hành đề án xây dựng các trung tâm nghiên cứu trên địa bàn, trên cơ sở đó ban hành chi tiết triển khai.
Ông Dũng cho hay, Sở KH&CN cũng đã tổ chức các hội nghị hướng dẫn, tập huấn cho các tổ chức KH&CN công lập. Hiện nay, Sở đã thu hút được 10 đề xuất, chương trình nghiên cứu kéo dài 5 năm, là tiền đề thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học. Hiện Sở đang xúc tiến hội đồng chuyên gia tư vấn độc lập, mời Bộ KH&CN cùng tham gia để đánh giá.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở KH&CN bày tỏ: "Các chính sách về ưu đãi chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt mới là điều kiện cần để thu hút nhân tài. Bên cạnh đó, Thành phố cũng phải tiếp tục đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng, điều kiện làm việc, môi trường làm việc thì mới có thể giữ chân lâu dài nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc cho Thành phố".
Sớm ban hành quyết định về hỗ trợ lãi suất
Hỗ trợ lãi suất đối với các dự án do Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) cho vay cũng là một cơ chế, chính sách đặc biệt mà Nghị quyết 98 trao cho TPHCM. HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết 09 về nội dung này, giao nhiệm vụ cho UBND Thành phố ban hành quyết định để thực hiện chi tiết.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT, Sở đã phối hợp với HFIC hoàn tất dự thảo quyết định để trình UBND Thành phố ban hành.
Theo đó, các lĩnh vực được hỗ trợ gồm: Chuyển đổi số, công nghệ cao, hoạt động khởi nghiệp; thương mai-dịch vụ; y tế-giáo dục; văn hóa-thể thao; hạ tầng kinh tế và 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố.
"Vốn hỗ trợ không quá 200 tỷ đồng, thời gian không quá 7 năm. Mức lãi suất là 2% cộng thêm chi phí quản lý", bà Mai cho biết.
Củng cố bộ máy, đội ngũ thực hiện Nghị quyết 98
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, trong triển khai Nghị quyết 98 thì khó khăn, vướng mắc là chuyện đương nhiên vì đây là cơ chế, chính sách mới, chưa có quy định hoặc quy định nhưng chồng chéo nên phải tìm cách tháo gỡ. Vì vậy, Thành phố sẽ tiếp tục đeo bám Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để thông qua Nghị định về phân cấp cho Thành phố vào quý II và Nghị định về chính sách điện mặt trời áp mái vào quý IV.
Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền Thành phố khẳng định để đảm bảo thành công, hiệu quả thì yếu tố quan trọng nhất để thực hiện Nghị quyết 98 là tổ chức bộ máy và đội ngũ thực hiện. "Thời gian qua, đã có những khó khăn tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ nhưng bộ máy Thành phố có sự nỗ lực lớn, tập trung, nhờ vậy mới hoàn thành khối lượng công việc lớn, đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục củng cố lại bộ máy, phân công công việc cụ thể, giám sát, giải quyết kịp thời phát sinh và rà soát quy chế phối hợp, phân cấp phân quyền…", ông Mãi cho biết.
Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền TPHCM Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận, Thành phố không thể triển khai Nghị quyết 98 một mình mà phải có sự hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương với tinh thần "vướng mắc gì thì đề xuất luôn các giải pháp và đeo bám ý kiến cơ quan Trung ương" để được giải quyết nhanh nhất có thể.
Anh Thơ