TPHCM: Thêm trạm y tế lưu động, đẩy nhanh phát thuốc cho F0 tại nhà
(Chinhphu.vn) - Thành phố Hồ Chí Minh đã có phương án tăng thêm lực lượng y, bác sĩ từ các bệnh viện về các tuyến quận, huyện, phường, xã; lực lượng quân y cũng tăng cường thêm 28 đội y tế lưu động.
Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: VGP/Băng Tâm |
Tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban Chỉ đạo) vào chiều 6/9, trước thông tin chậm cấp phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong đợt xét nghiệm trên diện rộng vừa qua, số ca F0 tăng và danh sách cập nhật không kịp. Do vậy, xảy ra tình trạng chưa kịp phát thuốc cho F0 cách ly tại nhà.
Thành phố đã có phương án tăng thêm lực lượng y, bác sĩ từ các bệnh viện về các tuyến quận, huyện, phường, xã; lực lượng quân y cũng tăng cường thêm 28 đội y tế lưu động. Ngành Y tế sẽ tiếp tục cải tiến quy trình làm việc để tăng tốc độ cấp phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà; khi phát hiện F0 điều trị tại nhà thì phát thuốc ngay, phối hợp 3 đội xét nghiệm, chăm sóc F0 và tiêm chủng để đẩy nhanh cấp phát thuốc.
Thông tin về tình hình dịch trên địa bàn trong 24 giờ qua, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, Thành phố đang điều trị cho 42.863 ca nhiễm. Tổng số bệnh nhân xuất viện từ ngày 1/1/2021 đến nay là 125.481 người. Số F0 tại các khu cách ly tập trung là hơn 24.100 người, số F0 cách ly tại nhà là gần 84.000 người và F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly theo dõi tại nhà là hơn 27.500 người.
Mở lại điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, Thành phố chưa có chủ trương và chỉ đạo cụ thể về việc mở lại chợ truyền thống.
Theo ông Phương, đến nay, hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM đang tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch. Theo kế hoạch, ngày mai (7/9), TPHCM sẽ mở lại điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền. Ông Phương khẳng định, việc mở lại điểm trung chuyển hàng hóa này nhằm giúp đưa nguồn hàng của các địa phương về TPHCM đến được các nơi như bếp ăn tập thể, cửa hàng kinh doanh thực phẩm và một số nhà bán lẻ… chứ không phải mở lại hoạt động của chợ đầu mối.
Đại diện Sở Công Thương cũng cho biết, từ ngày 23/8 đến nay, đã tổ chức “đi chợ giúp” cho hơn 1,3 triệu hộ dân (đạt tỷ lệ 99% trong tổng số hộ đăng ký). Nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa không bị gián đoạn, đứt gãy, đáp ứng nhu cầu hàng hóa, lương thực thực phẩm cho người dân, TPHCM đã mở rộng, cho phép một số nhân viên của mạng lưới cung ứng hàng hóa cùng phương tiện được lưu thông; bổ sung 20.000 giấy đi đường cho nhân viên hệ thống bán lẻ; cho phép đội ngũ shipper được hoạt động để bổ trợ các lực lượng tại địa phương. Nhờ vậy, đã giải quyết được nhiều vướng mắc trong việc cung ứng lương thực, thực phẩm trong thời điểm giãn cách.
Trung tâm An sinh TPHCM cũng đã hỗ trợ trên 1,6 triệu túi an sinh cho người dân trong tổng số 2 triệu túi an sinh. Việc chi các gói hỗ trợ được đẩy nhanh tiến độ, đến nay, đã chi trên 4.896 tỷ đồng. Thành phố đã vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỷ đồng.
Các cơ quan báo chí cũng đặt những câu hỏi về việc Thành phố có sử dụng một phần mềm chung cho tất cả dữ liệu về khai báo y tế, di biến động dân cư, tiêm vaccine hay không và liệu sau ngày 15/9, Thành phố có cấp giấy thông hành điện tử cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine không?
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương cho biết, những nội dung này là nhiệm vụ mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo, giao Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông triển khai thí điểm trên toàn địa bàn Quận 7 ngay trong tuần này. Sau khi có kết quả thí điểm, dự kiến, đến cuối tuần, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức họp báo để thông tin về những vấn đề trên.
Băng Tâm