TPHCM thực hiện nhiều chương trình kích cầu dịp cuối năm
(Chinhphu.vn) - Trong những tháng cuối năm 2022, Sở Công Thương TPHCM sẽ triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu mua sắm cuối năm như: Chương trình khuyến mại tập trung 2022 (đợt 2) với chủ đề "rộn ràng mua sắm mùa xuân"; tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố năm 2022.
Theo báo cáo của Cục Thống kê TPHCM, trong tháng 10/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố vẫn duy trì mức tăng nhẹ 1,4% so với tháng trước, thể hiện nhu cầu hàng hóa và giá cả không có nhiều biến động.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 năm 2022 ước đạt 94.933 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước (doanh thu thương mại tăng 1,6%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 7,1%; dịch vụ du lịch lữ hành giảm 15,4%; dịch vụ khác tăng 3,5%) và tăng 78,7% so với cùng kỳ. Lũy kế, 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 899.384 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ, tăng cao ở tất cả các ngành.
Trên địa bàn Thành phố, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10 ước đạt 53.403 tỷ đồng, chiếm 56,3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 1,6% so với tháng 9, trong đó, đáng chú ý là nhóm lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng 18,7%, tăng nhẹ 1,4%; nhóm hàng đồ dùng thiết bị gia đình chiếm tỷ trọng 12,3%, tăng 4,5%; ô tô và phương tiện đi lại chiếm tỉ trọng 16,7%, tăng 0,4%...
Nếu như doanh thu từ các hoạt động bán lẻ hàng hóa tăng nhẹ thì dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 10 trên địa bàn TPHCM lại giảm nhẹ, ước đạt 7.595 tỷ đồng (do kỳ nghỉ hè đã kết thúc). Trong đó, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 6,5%, doanh thu lưu trú giảm 14,3% so với tháng trước.
Mặc dù vậy, lũy kế 10 tháng năm 2022, doanh thu lưu trú và ăn uống trên địa bàn Thành phố đạt 68.463 tỷ đồng, tăng 110,8% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ lưu trú tăng 130,8%; dịch vụ ăn uống tăng gần 109%.
Từ nay đến cuối năm và Tết Nguyên đán 2023 chỉ còn chưa đầy 3 tháng, do đó, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, để ổn định thị trường từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương TPHCM tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm.
Theo thống kê từ Sở Công Thương Thành phố, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị dự trữ gần 40.000 tấn hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết Quý Mão 2023.
Đặc biệt, Sở Công Thương Thành phố đã đôn đốc các DN bình ổn thị trường xây dựng, dự trữ nguồn hàng chiếm 25-43% so với nhu cầu của người dân Thành phố, bảo đảm không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm trên địa bàn Thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương, công tác tạo nguồn hàng bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố thời gian qua luôn gắn chặt với chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành lân cận để tạo điều kiện thuận lợi và kiểm soát trong lưu thông hàng hóa.
Các DN TPHCM có thế mạnh trong sản xuất, chế biến và phân phối hàng hóa, có thị phần và nguồn lực vốn thực hiện liên kết, hợp tác với DN các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, thực hiện các dự án sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
Lê Anh