Trách nhiệm của hiệu trưởng các trường trong liên kết giáo dục
(Chinhphu.vn) - Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TPHCM vừa có hướng dẫn thực hiện liên kết tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường năm học 2024-2025. Trong đó quy định hiệu trưởng chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính pháp lý và chất lượng của chương trình liên kết đào tạo tại đơn vị.
Đối với liên kết giảng dạy
Về nội dung liên kết giảng dạy, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu nội dung giáo trình, tài liệu do đối tác tự biên soạn hoặc nhượng quyền do đối tác chịu trách nhiệm phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ nhà trường. Nội dung, giáo trình, tài liệu nếu tự biên soạn phải được Bộ GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT có kết luận đánh giá chất lượng.
Hiệu trưởng tổ chức thẩm định hồ sơ nhân sự của giáo viên tham gia liên kết. Đối với nội dung dạy học, hoạt động giáo dục được liên kết có sử dụng huấn luyện viên, báo cáo viên, chuyên gia… tham gia giảng dạy, giáo dục tại cơ sở giáo dục, phải bảm đảm có năng lực phù hợp (văn bằng, chứng chỉ), giấy phép lao động còn thời hạn cấp cho giáo viên trong đó ghi rõ đơn vị làm việc (đối với giáo viên nước ngoài), trong quá trình thực hiện phải có giáo viên được phân công cùng tham gia theo dõi, quản lý lớp.
Nhân sự tham gia hoạt động liên kết phải thực hiện đối chiếu thông tin được cung cấp với thông tin của giáo viên được cập nhật tại trang quản lý chuyên môn.
Đối với tổ chức dạy học ngoại ngữ
Sở GD&ĐT TPHCM quy định hiệu trưởng chịu trách nhiệm về nội dung giảng dạy, bao gồm kế hoạch dạy học, tài liệu sử dụng cho học sinh, kế hoạch dạy học được thiết kế phù hợp với đối tượng học sinh từng khối lớp. Chương trình được xây dựng dựa trên cơ sở các tài liệu giảng dạy tham khảo phải được Bộ GD&ĐT thẩm định hoặc Sở GD&ĐT đánh giá chất lượng và phải đáp ứng được yêu cầy dạy học ngoại ngữ tăng cường, tổ chức giao tiếp với người nước ngoài, giúp học sinh phát triển tốt các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghe nói.
Hiệu trưởng chịu trách nhiệm theo dõi hoạt động thu để có giải pháp ngăn chặn tình trạng có thu tiền của học sinh tham gia nhưng không tổ chức giảng dạy hoặc dạy không đủ số tiết cam kết, hoặc có tổ chức giảng dạy cho học sinh nhưng không trả tiền thù lao cho cá nhân, đơn vị có liên quan.
Khuyến khích cơ sở giáo dục khi thông tin, giới thiệu cho học sinh, cha mẹ học sinh đăng ký tham gia được chọn lựa ít nhất 2 đơn vị đối tác thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường, dạy tiếng Anh qua phần mềm…
Bảo đảm đối tác phải có đủ hồ sơ pháp lý theo yêu cầu. Hồ sơ giáo viên người nước ngoài được đối chiếu và xác thực với thông tin được cập nhật trực tuyến tại quản lý chuyên môn giáo dục quanly.hcm.edu.vn với đầy đủ thông tin chi tiết của đối tác; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thông tin trên hồ sơ khác với giáo viên thực tế đang giảng dạy.
Riêng sử dụng tài liệu toán và khoa học trong dạy học tiếng Anh, sở yêu cầu hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra hồ sơ và nội dung, tài liệu giảng dạy, nội dung thông tin giới thiệu với cha mẹ học sinh, học sinh. Không đưa các thông tin có thể gây nhầm lẫn cho người học trong việc sử dụng tài liệu toán và khoa học để dạy học tiếng Anh.
Đối với giáo dục STEM
Tùy thuộc vào mục tiêu, yêu cầu cần đạt từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức giáo dục STEM: dạy các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Nhà trường huy động mọi nguồn lực để phát triển giáo dục STEM. Trong đó: nguồn kinh phí ngân sách hàng năm, giáo dục STEM áp dụng cho chương trình chính khóa; Nguồn kinh phí thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, giáo dục STEM áp dụng cho các hoạt động dạy học, giáo dục thuộc kế hoạch 2 buổi/ngày.
Đối với các chương trình nhà trường ngoài giờ chính khóa nhà trường liên kết với các đối tác triển khai giáo dục STEM với sự tham gia tự nguyện của học sinh. Nội dung phải được Bộ GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT có kết luận đánh giá chất lượng.
Giáo dục STEM qua các hoạt động trải nghiệm STEM, nội dung làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật có thể tổ chức theo hình thức câu lạc bộ, dựa trên sự đồng thuận, tự nguyện, không bắt buộc học sinh, cha mẹ học sinh.
Đối với giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa
Đối với tổ chức kỹ năng sống và các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu hiệu trưởng chịu trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và chương trình giảng dạy của đối tác, bảo đảm đối tác phải có đủ các hồ sơ pháp lý theo quy định. Đảm bảo chương trình phù hợp với việc tổ chức rèn luyện tại trường; đặc biệt chú trọng rà soát, đối chiếu chương trình trong hồ sơ năng lực và chương trình thực tế tổ chức tại trường.
Các nội dung rèn luyện kỹ năng sống và sinh hoạt câu lạch bộ ngoài giờ chính khóa phải bảo đảm an toàn cho học sinh tham gia, phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi học sinh, góp phần phát huy phẩm chất năng lực học sinh theo Chương trình GDTP 2018, đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể chất, năng khiếu, nhận thức của học sinh.
Nguyễn Trần