Trong khó khăn, triệu trái tim của kiều bào cùng chung nhịp đập
(Chinhphu.vn) - Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, kể từ khi đợt dịch trong nước bùng phát lần thứ tư, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã luôn quan tâm, đồng hành với đồng bào trong nước chống dịch dù họ cũng gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh ở nước sở tại.
Ngay khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19, thông qua Ủy ban Nhà nước về NVNONN, kiều bào đã quyên góp, ủng hộ số tiền lớn cho Quỹ. Nhiều hiện vật (thực phẩm; trang thiết bị, vật phẩm y tế…) đã nhanh chóng được gửi về hỗ trợ công tác phòng, chống dịch ở trong nước. Nhiều tổ chức hội đoàn người Việt ở các nước đã phát động chiến dịch "Chung tay vì Việt Nam", "10.000 liều vaccine cho Việt Nam"…
Triệu tấm lòng cùng hướng về Tổ quốc
Ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại CH Czech cho biết, sau phát động của Hội người Việt Nam tại Séc, chỉ trong 4 ngày tháng 6/2021, Hội đã quyên góp được 500 triệu đồng cho Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19.
Theo Tổng lãnh sự (TLS) quán Việt Nam tại Sydney, Australia, sau đúng 1 tháng (từ 28/6 đến 28/7/2021) phát động quyên góp ủng hộ Quỹ phòng, chống COVID-19 tại Việt Nam, TLS đã nhận được 41.035,47 AUD (652.519.334 VND) từ nhiều tổ chức, hội sinh viên và cá nhân tại các bang New South Wales, Queensland, Nam Australia và quần đảo New Caledonia (thuộc Pháp)…
Đa dạng, thiết thực các hình thức hỗ trợ quê hương
Cùng với sự ủng hộ về vật chất, tiền của, kiều bào đã có nhiều hình thức đóng góp đa dạng, thiết thực. Ông David Dương - Chủ tịch Công ty California Waste Solutions (CWS) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), vào 8/2021 đã gửi tặng 250 máy trợ thở cho Việt Nam. Ông cũng tích cực gặp gỡ giới chức chính quyền một số bang và liên bang, vận động Hoa Kỳ giúp Việt Nam nhiều hơn thông qua cơ chế COVAX. Ông có kế hoạch hỗ trợ thêm số lượng lớn máy trợ thở cho Việt Nam trong thời gian tới.
TS. Peter Nguyễn (Hoa Kỳ) đề xuất cho Việt Nam sử dụng sáng chế giúp xét nghiệm COVID-19 bằng một dạng cảm biến sinh học có thể lắp vào khẩu trang. GS. TSKH Nguyễn Quốc Sỹ (Nga) phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế Việt Nam giới thiệu và xem xét khả năng ứng dụng trên diện rộng hệ thống khử khuẩn công nghệ plasma.
Hay ông Trần Ngọc Phúc, Việt kiều Nhật Bản, Chủ tịch Tập đoàn Metran hỗ trợ máy trợ thở giúp bệnh nhân COVID-19 do ông sáng chế (đang được sử dụng tại 8 quốc gia). 500 máy đã được Bộ Y tế tiếp nhận vào tháng 4/2020. Và 540 máy bàn giao cho TPHCM, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ trong tháng 8/2021.
Một số doanh nhân kiều bào góp cơ sở vật chất cho các địa phương làm nơi cách ly tập trung: doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc (Trường dạy nghề Việt Nam - Canada tại Hải Dương); doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ (Trường quốc tế Vabis tại Vũng Tàu). Nhiều doanh nghiệp, trí thức kiều bào đóng góp bằng các sáng kiến, kinh nghiệm y tế: cách điều trị, giải pháp giúp giảm bớt sức ép cho hệ thống y tế tuyến đầu, giải pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới…
Tâm dịch - TPHCM thu hút sự quan tâm của kiều bào
Người dân TPHCM ngay cả trong những ngày khó khăn nhất của dịch bệnh vẫn luôn nhận được rất nhiều sự đồng cảm, yêu thương, sự giúp đỡ chí tình của kiều bào và những bà con xa xứ. Những người Việt sống tại Thung lũng Silicon đã phát động quyên góp với mục tiêu 200.000 USD để có thể mua 25.000 phần quà cho bà con nghèo tại TPHCM. TS. Vũ Duy Thức cùng những người bạn thực hiện dự án Stay Strong Sài Gòn nhằm hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các bệnh viện dã chiến.
Không chỉ ủng hộ Quỹ vaccine, trong suốt những ngày cao điểm dịch bệnh, Hiệp hội Doanh nghiệp và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) đã hỗ trợ các thiết bị bảo hộ và vật tư thiết yếu cho các bệnh viện, các trung tâm y tế. Những chuyến xe nghĩa tình với hàng trăm tấn rau quả và nhu yếu phẩm của Hiệp hội đã đến tay người dân các vùng phong tỏa. Ông Trịnh Ngọc Minh, kiều bào Canada đã vượt bao nhiêu cây số bay về nước trong điều kiện dịch bệnh khó khăn để lao vào tâm dịch TPHCM làm tình nguyện viên chống dịch…
Nhiều món quà ý nghĩa và có giá trị lớn đã được trao tặng cho người dân có hoàn cảnh từ ông Johnathan Hạnh Nguyễn (Philippines); Quỹ Steve Bùi và những người bạn cùng công ty TNHH BTB International & Medicial và Dive Group Company Limited; Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Anh Phạm Minh Nam; ông Lê Thanh Bình - TGĐ công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Công nghệ TDV (Ba Lan); bà Phạm Thị Tươi (Trung tâm Truyền thông Truyền hình Việt - Đức)...
Ông Đinh Vĩnh Cường (Nhật Bản) đã khởi xướng chương trình Bữa cơm 0 đồng và Gian hàng 0 đồng, Bà Phan Thị Viễn Phương với các suất ăn miễn phí hỗ trợ hộ nghèo. Bà Ngô Phẩm Trân (Đài Loan) với các suất học bổng cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh…
Nhiều lắm, nhiều lắm những tấm lòng. Hàng triệu con tim chung nhịp đập với đồng bào cả nước. Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu khẳng định: "Ủy ban Nhà nước về NVNONN ghi nhận và đánh gia cao tấm lòng bà con kiều bào hướng về quê hương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19". Người dân Việt Nam luôn biết ơn những người con cùng "máu thịt Việt Nam", dù ở phương xa, nhưng luôn đồng hành, cả những khi khó khăn, gian nan nhất.
Kim Ngân