Trường Đào tạo, Trung tâm và Viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật

24/06/2011 12:00 AM

Với tư cách là một trung tâm kinh tế - văn hoá – khoa học hàng đầu của khu vực và của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khá năng động và được tập trung trên qui mô lớn chỉ đứng sau thủ đô Hà Nội.

Thành phố hiện có 7 trường đào tạo, 1 trung tâm và 1 viện nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật (là những đơn vị sẽ được tập trung giới thiệu ở phần sau). Ngoài ra phải kể đến các nhà hát và những cơ quan chuyên nghiên cứu về khoa học xã hội hoặc các trường có nội dung đào tạo liên quan các ngành khoa học xã hội và nhân văn… là những nơi có thể có các hoạt động nghiên cứu và đào tạo về văn hoá nghệ thuật rất đáng lưu ý.

Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 5 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08-8-8412695 – 8412691 - Fax: 84-8-8412691

Địa danh Gia Định vốn nổi tiếng về danh thắng, chiến tích và những nhân vật lịch sử. Địa danh này còn gắn với một trung tâm từng đạo tạo nên nhiều thế hệ nhân tài về mỹ thuật từ xưa đến nay. Ngay dưới thời Pháp thuộc, từ năm 1913, Trường Mỹ thuật Trang trí Gia Định sau đổi tên thành Trường Mỹ thuật Trang trí và Đồ họa Gia Định đã được thành lập và tập trung đào tạo về hình họa, trang trí và kỹ thuật đồ họa. Trên nền tảng đó, từ sau năm 1954, Trường Trung học Trang trí Gia Định và Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định đã được hình thành ở trong cùng một khuôn viên và trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, đặc biệt là từ sau năm 1975.

Được thành lập trên cơ sở tiếp quản, sát nhập hai trường: Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định và Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chính thức mang tên mới như vậy vào ngày 29-9-1981 theo nghị định số 175/CT của Hội đồng Bộ Trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Thực ra ngay sau ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975, ngôi trường này đã vừa tích cực kế thừa các truyền thống vốn có của nó vừa nỗ lực xây dựng một mô hình đào tạo theo quan điểm mới để từng bước biến nơi đây trở thành là một trung tâm lớn hàng đầu của các tỉnh, thành phía Nam góp phần cùng các trường mỹ thuật lớn nhất nước chuyên đào tạo về lĩnh vực nghệ thuật tạo hình.

Từ năm 1975 đến 1981, nhà trường đã vận dụng nhiều phương thức đào tạo nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu cán bộ mỹ thuật trung học, cao đẳng và đại học cho các tỉnh, thành phía Nam. Trong đó hai khâu quan trọng nhất được chú ý là: cơ bản tạo hình và mối quan hệ của nghệ thuật với cuộc sống, từng bước kết hợp thực hiện phương châm đào tạo toàn diện và đồng bộ. Thời gian đào tạo: đại học chính quy (6 năm), đại học tại chức (5 năm), trung học (5 năm). Ngoài ra còn mở các lớp đào tạo ngắn hơn: 6 tháng, 1 năm, 3 năm. Nhằm cải tiến nội dung chương trình, chất lượng giảng dạy và phát huy hiệu quả đào tạo cả chiều sâu lẫn bề rộng, nhà trường mở Xưởng Kỹ thuật Chất liệu (1975), mở hội nghị chuyên đề nghiên cứu về hình họa (1976), tổ chức đi thực tế, mở khoa đồ họa bậc đại học (1976) v.v…

Thời kỳ từ năm 1981 đến năm 1987, tuy gặp nhiều khó khăn về mẫu, vật tư, thiết bị đào tạo và về tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất, nhưng nhà trường vẫn vững bước phát triển thông qua tăng cường công tác chính trị tư tưởng, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, từng bước hoàn thiện hệ thống chương trình và giáo án, phân công viết giáo trình và dịch thuật những tư tưởng giảng dạy nghiên cứu lý luận của nước ngoài, sưu tập và bổ sung các tài liệu trực quan phục vụ giảng dạy v.v… Ngoài ra, trường đã phối hợp với Hội Nghệ sĩ Tạo hình phía Nam, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế để trao đổi rút kinh nghiệm về đào tạo, biên soạn chương trình đạo tạo v.v…

Từ năm 1987 đến nay, nhà trường chủ trương đổi mới qui trình đào tạo, đổi mới phương pháp và tổ chức quản lý, giảm bớt các phòng ban, giảm nhẹ biên chế gián tiếp, tăng thêm biên chế đội ngũ giảng dạy, vừa “mềm hóoá các phương thức đào tạo, vừa mở rộng qui mô đào tạo ngoài hệ chuẩn và mở ra những ngành mới mà xã hội đang có nhu cầu. Việc đổi mới qui trình đào tạo hệ chuẩn được thực hiện theo các giai đoạn: giai đoạn đào tạo đại cương (hoàn thành kiến thức và kỹ năng cơ bản tạo hình, lý luận cơ bản và cơ bản sáng tác) và giai đoạn đào tạo sáng tác (chuyên khoa và đi sâu vào các chất liệu). Từ năm học 1990 – 1991 nhà trường mở thêm chuyên khoa Hội họa Hoành tráng và từ năm 1992 mở thêm những chuyên khoa ứng dụng gồm các chuyên ngành: Thiết kế Điện ảnh, Trang trí nội - ngoại thất, Nghệ thuật Quảng cáo. Sinh viên khoa Đồ họa và Mỹ thuật ứng dụng được học sâu về vi tính căn bản và đồ họa vi tính.

Hiện nay, Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có 5 khoa và 1 hệ trung học, đó là các khoa: Hội họa, Điêu khắc, Đồ họa, Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, Tại chức. Ngoài ra, từ năm 1993, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo đã ra quyết định số 942/QĐ-SĐH giao cho trường đạo tạo hệ cao học theo hai chuyên ngành: Lý luận - Lịch sử mỹ thuật và Mỹ thuật Sáng tác.

Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 112 Nguyễn Du, Q.1 – TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08-8225841 – 8298646 – 8292362
- Fax: 84.8.242014

Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh là trường chuyên đào tạo nghệ thuật âmnhạc cho các tỉnh thành phía Nam. Tiền thân của nhạc viện là Ban Âm nhạc trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, sau đó (năm 1956) tách ra với tên gọi là Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Được bổ sung thêm phần nghệ thuật sân khấu, trường này lại có tên mới là Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn với hai chuyên ngành đào tạo chính: Âm nhạc (gồm Âu nhạc, tức âm nhạc phương Tây và Quốc nhạc, tức âm nhạc cổ truyền Việt Nam) và Kịch nghệ (chủ yếu là về nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam).

Sau ngày miền Nam giải phóng (1975), Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn được đổi tên thành Trường Quốc gia Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ phận kịch nghệ được tách riêng ra thành Trường Nghệ thuật Sân khấu II Thành phố Hồ Chí Minh (1976).

Từ năm 1978, Trường Quốc gia Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Văn hoá giao thêm nhiệm vụ đào tạo diễn viên múa với một phân hiệu múa trực thuộc.

Ngày 17-2-1980, Trường Quốc gia Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh được nâng cấp đào tạo bậc đại học và chính thức đổi tên thành Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, bên cạnh bậc trung học, Nhạc viện còn đào tạo sinh viên ở cấp đại học và cao học với các hình thức như sau:

  • Trung học dài hạn 9 năm hoặc 11 năm (cho học sinh từ 7 tuổi trở lên).
  • Trung học ngắn hạn 4 năm (cho học sinh từ 14 tuổi đến 24 tuổi).
  • Đại học chính quy 4 năm.
  • Đại học chính quy 5 năm (đào tạo bổ sung thêm 1 năm cho sinh viên có khả năng để học tiếp bậc cao học).
  • Cao học chính quy 2 năm.
  • Thực tập sinh sau đại học 1 năm.

Các khoa chuyên môn của Nhạc viện gồm có:

  • Khoa Lý luận, sáng tác và chỉ huy
  • Khoa Piano
  • Khoa Nhạc cụ giao hưởng gồm Bộ dây (violon, violoncelle, violonalto, contrebasse), Bộ kèn hơi (Flute, Hautbois, Clarinette, Basson, Cor, Trompette, Trombone, Tuba) và Bộ gõ.
  • Khoa Thanh nhạc
  • Khoa Nhạc cụ dân tộc (đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc, tam thập lục)
  • Khoa Guitar – Mandoline – Accordéon (gọi tắt là GMAC)

Nhạc viện có trên 100 cán bộ giáo viên, trong đó có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, các nhà nghiên cứu âm nhạc và nhà sư phạm nhiều kinh nghiệm, đa số được đào tạo chính qui trong nước hoặc ở nước ngoài như: Liên Xô (cũ), các nước Đông Âu, Anh, Pháp, Ý, Đức… trong đó trường phái âm nhạc vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong định hướng nội dung chương trình giảng dạy.

Nhạc viện còn có một bộ phận tổ chức biểu diễn với:

  • 1 dàn nhạc giao hưởng (gồm thầy và trò Nhạc viện).
  • 1 dàn hợp xướng người lớn.
  • 1 dàn hợp xướng trẻ em.
  • 1 dàn nhạc dân tộc.
  • 1 dàn nhạc GMAC.

Hai phòng hòa nhạc của Nhạc viện có sức chứa 400 – 500 người (phòng lớn) và 100 người (phòng nhỏ) với lịch sinh hoạt định kỳ 2 lần/tuần.

Tính từ sau ngày giải phóng đến nay, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo được trên 2000 nhạc sinh cho Thành phố và các tỉnh phía Nam, trong đó có nhiều người trở thành nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng. Sinh viên và học sinh của Nhạc viện cũng đã chiếm nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế như:

  • Bằng khen tại cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên J.S. Bach tại Lepxich (Đức) (1980).
  • Hai giải nhất cuộc thi âm nạhc toàn quốc, âm nhạc tài tử (1986).
  • Giải nhất cuộc thi âm nhạc toàn quốc về thanh nhạc và dòng nhạc thính phòng (1989).
  • Tại Concours mùa thu năm 1990: một giải nhất violon (lứa tuổi lớn), hai giải nhất violon (lứa tuổi nhỏ) và hai giải ba violon (lứa tuổi lớn và nhỏ).
  • Đặc biệt giải nhất violon dành cho các nghệ sĩ trẻ Đêmitrôp (9 nước tham dự) tại thành phố Katêenbua (Nga), học sinh Nhạc viện cùng lúc chiếm 3 giải (giải người biểu diễn tác phẩm J.S. Bach hay nhất, giải niềm hy vọng châu Á và giải nhất Concours).
  • Tại Concours mùa thu năm 1993: Giải nhất violon (lứa tuổi lớn), giải nhì violon (lứa tuổi nhỏ), giải ba violon (lứa tuổi lớn), giải nhì piano (lứa tuổi lớn), giải ba piano (lứa tuổi nhỏ) v.v…

Với những thành tích đã đạt được trong giảng dạy, học tập và biểu diễn, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh đã được nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý:

Huân chương Lao động hạng III (1980)

Huân chương Lao động hạng II (1985)

Huân chương Lao động hạng I (1990)

Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 155 Bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Q.3 – TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08 – 8299353 – 8251029 - Fax: 84-8-8299353

Vốn trước là một phân hiệu nằm trong hệ thống trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, từ tháng 6 năm 1986 theo quyết định của Bộ Văn hoá Thông tin, trường tách ra hoạt động độc lập và mang tên Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh, trụ sở đặt tại 77 – 79 Lý Tự Trọng, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh.

Với nhiệm vụ chuyên đào tạo diễn viên và biên đạo múa cho các tỉnh phía Nam và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm múa cho giáo viên các trường nghệ thuật chuyên nghiệp, các câu lạc bộ, các nhà văn hoá… thời gian qua Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp hàng trăm cán bộ múa các loại cho các đoàn nghệ thuật, các đơn vị khác nhau tại các địa phương phía Nam. Ngoài ra, trường còn tham gia các đợt hội diễn, liên hoan nghệ thuật múa toàn quốc hoặc của Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều giải thưởng cao, một số tiết mục được chọn đi biểu diễn ở nước ngoài. Hiện nay, Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh đã được Nhà nước đầu tư một cơ sở vật chất - kỹ thuật khá khang trang với các trang thiết bị chuyên dùng tương đối đồng bộ và hiện đại.

Các bộ phận chuyên môn của trường gồm có: Tổ Múa dân tộc, Tổ Múa ballet – Tính cách, Tổ Âm nhạc, Phòng thư viện – Trang phục với các chuyên ngành đào tạo: Múa cổ điển Châu Âu, Múa dân tộc truyền thống Việt Nam, Múa tính cách các nước, Múa lịch sử các thế kỷ, Múa giao tiếp – khiêu vũ, Múa trong nghệ thuật xiếc, Múa trong ca nhạc nhẹ, Múa trong trình diễn thời trang và Múa dành cho lứa tuổi mẫu giáo v.v…

Các cấp bậc đào tạo của trường gồm có:

  • Trung học (3 năm): cho lứa tuổi từ 10 đến 18.
  • Trung học chính qui dài hạn (7 năm): cho lứa tuổi từ 10 đến 12.
  • Trung học tại chức (từ 15 đến 25 tuổi): Theo nhu cầu đào tạo diễn viên, biên đạo múa của các đoàn nghệ thuật, các Nhà văn hoá – Trung tâm văn hoá thuộc các tỉnh, thành phía Nam…
  • Đại học tại chức (Liên kết với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội): Đào tạo đội ngũ nghệ sĩ biên đạo, huấn luyện, giảng dạy múa (đối tượng tuyển sinh phải có ít nhất 2 năm trong nghề, tuổi không quá 40).

Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 125 Cống Quỳnh - Quận I – TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08-8364116

Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 26/4/1995 theo Quyết định số 1786/TC-QĐ của Bộ Văn hoá Thông tin trên cơ sở ghép hai trường: Trường Nghệ thuật Sân khấu II và Trường Điện ảnh Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, thành tích và truyền thống của trường hiện nay phải kể tới thành tích đã có của cả hai trường được ghép lại như vậy.

Trường Nghệ thuật Sân khấu II tại Thành phố Hồ Chí Minh vốn là một bộ phận của trường Quốc Gia âm nhạc và Kịch nghệ cũ tách ra (từ năm 1976). Trường từng có hai bậc học với các chuyên ngành đào tạo như sau:

  • Bậc Trung học (4 năm) gồm: Diễn viên Kịch nói, Diễn viên Cải lương, Diễn viên Hát Bội và Nhạc công Cải lương.
  • Bậc đại học (5 năm) gồm: Đạo diễn sân khấu, Thiết kế Mỹ thuật sân khấu, Lý luận phê bình sân khấu và Thanh nhạc dân tộc.

Qua gần hai mươi năm tồn tại, trường đã đào tạo hàng trăm học sinh, sinh viên các loại, trong đó có nhiều người đã thành những nghệ sĩ sân khấu tên tuổi được công chúng mến mộ.

Tương tự, Trường Điện ảnh Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (từ 1987) nguyên là Phân hiệu Trung học Điện ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh (từ 1977) và tiếp sau đó là Trường Trung học Điện ảnh II tại Thành phố Hồ Chí Minh (từ 1986). Là cơ sở đào tạo những người hoạt động điện ảnh chuyên nghiệp có trình độ trung cấp, lúc đầu trường có các ngành như sau: Quản lý chiếu bóng và Phát hành phim, Tuyên truyền và Thuyết minh phim, Kỹ thuật máy chiếu phim. Sau đó trường còn mở các chuyên ngành (có cả trình độ Đại học) như: Sáng tác và Lý luận điện ảnh, Lý luận – Phê bình phim, Đạo diễn điện ảnh, Quay phim, Quay video, Diễn viên điện ảnh.

Từ ngày thành lập đến nay, Trường Điện ảnh Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo được một đội ngũ đông đảo hàng trăm cán bộ điện ảnh ở trình độ Trung cấp và Đại học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Nhiều sinh viên, học sinh tốt nghiệp đã có những thành tích tốt trong hoạt động sáng tác, biểu diễn, đạo diễn, quay phim. Nhiều diễn viên điện ảnh trẻ được nhiều người biết đến và yêu thích cũng đều xuất thân từ trường.

Do yêu cầu mới, hai trường trên được hợp nhất, tuy có khó khăn bước đầu nhưng đó là bước phát triển tất yếu trong sự nghiệp đào tạo của cả hai trường. Hiện nay, Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh có các khoa chuyên môn chủ yếu gồm: Cải lương, Đạo diễn, Thiết kế mỹ thuật, Quay phim, Lý luận phê bình, Diễn viên, Kiến thức cơ bản, Tại chức… Ngoài ra còn có Trung tâm thực nghiệm, Xưởng trường v.v…

Các bậc đào tạo của trường gồm có:

  • Bậc Cao đẳng với các chuyên ngành: Đạo diễn sân khấu, Đạo diễn điện ảnh, Quay phim và Quay video, Diễn viên kịch - điện ảnh, Diễn viên cải lương và nhạc dân tộc, Lý luận phê bình sân khấu - điện ảnh, Thiết kế mỹ thuật, Sân khấu - Điện ảnh.
  • Bậc Trung học gồm các chuyên ngành: Diễn viên kịch - điện ảnh, Diễn viên cải lương, Nhạc cải lương.

Trường Cao đẳng Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 3A Cư xá Ngân hàng, P. Thảo Điền, Q.2, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08-8997783 – 8997793 – 8992901
- Fax: 84-8-8980740

Trường Cao đẳng Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh thành lập ngày 30/6/1976 theo Quyết định số 110/VH-QĐ của Bộ Văn hóa Thông tin với tên là Trường Lý luận Nghiệp vụ II (trực thuộc Bộ Văn hóa Thông tin). Ngày 19/9/1981 trường đổi tên thành Trường Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 121/VHTT-QĐ và ngày 26/4/1995 được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, trực thuộc Bộ Văn hoá Thông tin theo Quyết định số 123/TTg ngày 01/3/1995 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1787/TC-QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin.

Các khoa chính của nhà trường bao gồm: Văn hoá quần chúng, Thông tin Thư viện, Bảo tồn Bảo tàng, Kiến thức đại cương, Kinh doanh xuất bản phẩm, Tại chức v.v…

Các bậc đào tạo của trường bao gồm:

  • Bậc cao đẳng, gồm các chuyên ngành: Thông tin – Thư viện, Văn hoá – Du lịch, Bảo tồn Bảo tàng, Phát hành sách – Kinh doanh xuất bản phẩm, Văn hoá quần chúng.
  • Bậc đại học: Đào tạo theo chương trình các ngành và chuyên ngành của trường Đại học Văn hoá Hà Nội (liên kết và do Trường Đại học Văn hoá Hà nội cấp bằng).

Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 5 Nam Quốc Cang - Quận I - Phường Phạm Ngũ Lão, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 8391456 – 8334991 – 9250990 – 9250992 – 8395883 - Fax: 84-8-8395883

Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thoạt tiên là Trường Nghiệp vụ Văn hoá Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngay sau ngày giải phóng miền Nam (tháng 4 năm 1975), tọa lạc tại xã Phước Bình, huyện Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, với chức năng đào tạo lúc đó chủ yếu là bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hoá thông tin có trình độ sơ cấp nhằm đáp ứng kịp thời cho các hoạt động phong trào tại Thành phố. Ngày 26/12/1978, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định nâng cấp ngôi trường này thành Trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, hướng dẫn phong trào với các chuyên ngành: Thư viện, Bảo tồn Bảo tàng, Văn hoá quần chúng, Âm nhạc, Hội họa và Sân khấu. Từ năm 1986, do nhu cầu xây dựng và phát triển trong giai đoạn mới, Trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển cơ sở từ Huyện Thủ Đức về Quận 1 tại địa điểm như ngày hôm nay. Tại đây qua từng bước được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất - kỹ thuật, phát triển đội ngũ kết hợp với các kết quả khác về đào tạo, xuất phát từ yêu cầu thực tế, ngày 21/08/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định nâng cấp trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thành Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung các khoa chuyên môn đào tạo theo hình thức chính quy (tập trung) và không chính quy (tại chức) của trường gồm có:

  • Âm nhạc: Gồm Khí nhạc (các loại nhạc cụ Piano, Guitar, Organ…), Thanh nhạc và Sư phạm âm nhạc.
  • Mỹ thuật: Gồm hội họa, Trang trí, Đồ họa Vi tính, Tạo mẫu Thời trang, Sư phạm Hội họa và Nhiếp ảnh.
  • Sân khấu: Gồm Diễn viên, Biên kịch, Dàn dựng cho sân khấu chuyên nghiệp (Kịch nói, Cải lương…) và sân khấu quần chúng (Tiểu phẩm kịch, Chặp cải lương, Chương trình đội Thông tin lưu động, Chương trình sân khấu hoá lễ hội…).
  • Văn hóa – Du lịch: Chủ yếu là đào tạo Hướng dẫn viên du lịch.
  • Nghiệp vụ Văn hóa: Chủ yếu là các loại hình Quản lý Nhà nước và quản lý nghiệp vụ công tác văn hoá thông tin cơ sở như Nhà văn hoá – Câu lạc bộ, Bảo tồn bảo tàng, Văn nghệ quần chúng, Thông tin cổ động, Kinh doanh Xuất bản phẩm và Dịch vụ văn hoá…
  • Thông tin - Thư viện: Gồm Tin học cơ bản và Tin học ứng dụng vào các hoạt động văn hoá nghệ thuật; Nghiệp vụ Thư viện…

Ngoài ra, nhà trường còn có các trung tâm đào tạo theo nhu cầu xã hội và theo phương thức xã hội hoá như: Trung tâm đào tạo Âm nhạc, Trung tâm đào tạo Mỹ thuật, Trung tâm Tin học…

Các bậc đào tạo của trường ngoài hệ cao đẳng (3 năm) còn có:

  • Bậc sơ cấp âm nhạc (7 năm): đào tạo, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc, tạo nguồn tuyển sinh cho bậc cao đẳng, đại học.
  • Bậc trung cấp (3 năm): chuyên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật.

Trường Dạy nghề chuyên ngành In
(Thuộc Công ty In Trần Phú)

Địa chỉ: 35 Trần Quốc Toản, P.8, Q.3 – TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08-8298328 – 8201739 – 820739

Trường Dạy nghề chuyên ngành In được thành lập theo Quyết định số 62/VH-QĐ ngày 18/7/1995 của Bộ Văn hoá Thông tin và văn bản chấp thuận số 116/DN-KH1 ngày 23/5/1985 của Tổng cục Dạy nghề. Địa điểm của trường đặt bên cạnh Công ty In Trần Phú.

Trường là nơi chuyên đào tạo công nhân kỹ thuật ngành in bậc 3/7 bao gồm các chuyên ngành: chế bản, tạo mẫu; offset; thành phẩm. Mục tiêu đào tạo theo yêu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp in và nhu cầu của xã hội. Đến nay, trường đã đào tạo trên 10 khóa với trên 1000 học sinh ra trường và hầu hết đã trở thành hạt nhân trong đội ngũ thợ có kỹ thuật tại các doanh nghiệp in, có người đã trở thành cán bộ chủ chốt tham gia quản lý ở doanh nghiệp ấy. Hiện nay, trường đã thực sự trở thành trung tâm đào tạo công nhân kỹ thuật ngành in cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.

Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 02 Trần Quí Khoách, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08-8440450

Tháng 8-1976, Bộ Văn hoá ra quyết định chuyển cơ quan Âm nhạc Giải phóng miền Nam thành Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam, đặt trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh do cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm viện trưởng. Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam lúc đó có các chức năng, nhiệm vụ trọng tâm là: sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc truyền thống của các dân tộc trong cả nước (đặc biệt là các dân tộc ở khu vực phía Nam) đồng thời góp phần theo dõi, nhận định về những sự kiện nổi bật trong phong trào âm nhạc trong nước và thế giới.

Tháng 8-1989, Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Văn hoá quyết định chuyển thành Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ mới của Viện lúc này là sưu tầm nghiên cứu cả các loại hình nghệ thuật âm nhạc, múa, sân khấu v.v… lẫn các sinh hoạt văn hoá của các dân tộc ở phía Nam Việt Nam, kể cả nghiên cứu các đề tài văn hoá trong thực tiễn cuộc sống đương đại.

Phân viện đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ, chuyên viên đi điền dã thực địa và tiến hành khảo sát sưu tầm ở hầu khắp các tỉnh, thành, từ vùng rừng núi, biên giới đến tận hải đảo, đã tiếp cận với trên 20 dân tộc, kể cả những dân tộc chỉ còn khoảng 300 người như Brâu, Rơmăm (Kon Tum). Kết quả là đoàn đã ghi chép, thu băng, sưu tập được hàng ngàn bài bản, làn điệu, hình ảnh, tư liệu quí hiếm về văn hoá nghệ thuật dân gian của các dân tộc. Đặc biệt, Viện đã sưu tầm, nghiên cứu có kết quả về những bộ đàn đá nổi tiếng ở 7 địa phương khác nhau như Khánh Sơn, Bác Ái, Tuy An, Bình Đa… Viện cũng đã tiến hành nghiên cứu sưu tầm được một số đạo cụ sân khấu cách đây hơn nửa thế kỷ của các nghệ sĩ Phùng Há, Năm Châu… hoặc tiếng nói và tiếng đàn cò của cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu, hồi ức tiếng đàn và tiếng hát của nhiều nghệ nhân nổi tiếng đã quá cố…

Ngoài ra, Phân viện đã phối hợp với ngành Văn hoá Thông tin các tỉnh, thành phía Nam và các nhà khoa học thuộc các ngành như khảo cổ học, dân tộc học, âm thanh học, địa chất học… trong nhiều hoạt động chuyên môn và đã hoàn thành hàng loạt công trình nghiên cứu hoàn chỉnh, ví dụ như: Âm nhạc dân tộc Mạ; về các nhạc khí đàn bầu – đàn kìm; về nhạc lễ đâm trâu của các dân tộc ở Tây Nguyên; về dân ca Kiên Giang, Cửu Long, Đồng Tháp…; về cồng chiêng của người Stiêng – Sông Bé; về đàn ghi ta phím lõm trong ca nhạc tài tử cải lương v.v…

Cũng chính thông qua công tác sưu tầm, điền dã ở khắp các địa bàn cư trú của nhiều dân tộc, thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, liên hoan… Phân viện đã thu nhập được thêm nhiều tư liệu, nhiều ý kiến quý báu, phát hiện thêm nhiều nghệ nhân ưu tú của nền nghệ thuật dân tộc truyền thống, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ và mở rộng lực lượng cộng tác viên nghiên cứu. Nhờ đó Viện đã xuất bản được một số công trình nghiên cứu có giá trị đồng thời đã xuất bản nội san "Nghiên cứu Âm nhạc" nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong giới văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng yêu mến âm nhạc…

Bên cạnh các công tác trên, Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng bắt đầu quan tâm chú trọng công tác đào tạo và đã thể nghiệm mở lớp Đại học âm nhạc dân tộc truyền thống đầu tiên của Viện. Gần đây, Viện còn xây dựng một Câu lạc bộ nhằm tập hợp lực lượng và định kỳ thường xuyên tổ chức các sinh hoạt chuyên đề về văn hoá nghệ thuật. Một số buổi sinh hoạt đầu tiên đã thu hút sự chú ý và tham dự khá đông đảo của nhiều cán bộ, nhà nghiên cứu…

Trung tâm Nghiên cứu Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chi: 7 Phan Kế Bính, Q. 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08-8299874 – 8294213
- Fax: 84-8-222050

Tiền thân vốn là Trung tâm Tư liệu phim miền Nam (thành lập từ tháng 8-1975) được sát nhập với Phòng Tư liệu (Cục Điện ảnh và Ban Nghiên cứu lý luận và lịch sử Điện ảnh) thành Phân viện phim Việt Nam (ngày 22-9-1979), sau đó đổi lại là Trung tâm Tư liệu phim Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và chính thức mang tên Trung tâm Nghiên cứu Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 07-04-1992 cho đến nay.

Chức năng của trung tâm chủ yếu là nghiên cứu nghệ thuật và lịch sử điện ảnh; bảo quản phim lưu trữ và các tài liệu kèm theo phim; khai thác sử dụng phim tư liệu để phục vụ nghiên cứu, sáng tác; thực hiện hợp tác quốc tế trao đổi về phim ảnh, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động điện ảnh v.v…

Thực hiện các chức năng trên, đặc biệt là về công tác nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì tổ chức thành công một số cuộc hội thảo khoa học về chất lượng phim ảnh, về lịch sử điện ảnh Việt Nam; ngoài ra Trung tâm còn nghiên cứu ứn dụng thành công một số đề tài về kỹ thuật bảo quản phim ảnh… đã tổ chức xuất bản một số công trình nghiên cứu lý luận liên quan hoạt động điện ảnh, phối hợp tổ chức điều tra xã hội về công chúng điện ảnh đối với phim Việt Nam v.v…

Trung tâm đã xây dựng được một cơ sở vật chất - kỹ thuật khá hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế về bảo quản phim và băng hình, về xử lý kỹ thuật và phục hồi phim… Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng một Câu lạc bộ Điện ảnh hoạt động thường xuyên với 2 rạp chiếu phim loại vừa (180 chỗ ngồi) và loại lớn (600 chỗ ngồi) được trang bị kỹ thuật tương đối đầy đủ và hiện đại v.v...

Top