Tuyển dụng người tài: TPHCM cần làm gì?

25/05/2024 8:35 AM

(Chinhphu.vn) - Nghị quyết 98 của Quốc hội mang lại cho TPCHM các cơ chế đặc thù để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đến cống hiến cho Thành phố. Trước khi có Nghị quyết 98, TPHCM cũng đã có các chính sách thu hút nhân tài, nhưng không mang lại hiệu quả.

Tuyển dụng người tài: TPHCM cần làm gì?- Ảnh 1.

TS. Hoàng Thế Bân, chuyên gia tại Khu công nghệ cao TPHCM, một trong số ít chuyên gia còn ở lại cống hiến cho Thành phố sau 2 chương trình thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt - Ảnh: VGP

Năm 2014, TPHCM ban hành Quyết định 5715 thí điểm chủ trương tuyển dụng người tài. Quyết định được áp dụng trong 5 năm để tuyển người tài cho các lĩnh vực trọng điểm. Chuyên gia khi đó được hưởng thu nhập thỏa thuận không quá 150 triệu đồng mỗi tháng; chia lợi nhuận trên sản phẩm nghiên cứu; hỗ trợ kinh phí dự hội thảo cùng nhiều ưu đãi về xuất, nhập cảnh, thuế, nhà ở, hỗ trợ người thân...

Trong thời gian thực hiện, TPHCM thu hút 19 được nhà khoa học về làm việc.

Từ năm 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng Quyết định 17 của UBND TPHCM với nhiều chính sách thay đổi.

Theo đó, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt nhận được nhiều đãi ngộ như: Trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng; thu nhập theo hệ số lương nhà nước; hưởng 1% đề tài nghiên cứu khoa học dùng ngân sách nhà nước, tối đa một tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở, phương tiện...

Tuy nhiên, với lý do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, 14 trên 19 chuyên gia tham gia trước đó đã rời đi. Chương trình cũng không hấp dẫn thêm người mới nên từ năm 2019 đến nay, TPHCM không thu hút nhân tài mới nào.

Tuyển dụng còn bị động

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, TS. Hoàng Thế Bân, chuyên gia tại Khu công nghệ cao Thành phố, một trong số các chuyên gia còn cống hiến cho TPHCM sau 2 chương trình thu hút người tài cho rằng, các chế độ, chính sách của TPHCM về việc này là tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, khác biệt lớn giữa chương trình của Thành phố khi so sánh với các nước khác đó là vẫn còn bị động.

"Chúng ta không thể cứ đưa ra chương trình xong rồi ngồi chờ các chuyên gia tới xin việc. Trong khi ở những nước khác, họ chủ động mời gọi. Đối tượng chuyên gia rất đặc biệt, không phải như những lao động khác. Họ thường là những người lớn tuổi, có nhiều năm kinh nghiệm trong công việc nên phải chủ động tiếp cận và mời họ làm việc và chứng tỏ mình cần người đó", TS. Hoàng Thế Bân nêu ý kiến.

Chủ động ở đây, theo TS. Hoàng Thế Bân, còn là Thành phố phải giao quyền tuyển dụng này lại cho những đơn vị có nhu cầu trực tiếp, ví dụ như doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và đơn vị đó lại tiếp tục tìm chuyên gia mình cần.

"Thành phố không cần lập hội đồng xét, đánh giá làm cho phức tạp lên, làm khó cho cả đơn vị có nhu cầu tuyển dụng và cũng làm khó cho chuyên gia", ông Bân nhấn mạnh.

Về chế độ đãi ngộ, TS. Hoàng Thế Bân cho rằng với Nghị quyết 27 của HĐND TPHCM, mức đãi ngộ chuyên gia có thay đổi nhiều, tiệm cận với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, cách thức, hình thức, quy trình xét tuyển phải gọn nhẹ lại.

Tuyển dụng người tài: TPHCM cần làm gì?- Ảnh 2.

PGS.TS Lê Thanh Long trao đổi với sinh viên về một đề tài đang nghiên cứu - Ảnh: VGP

Cần cải thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Lê Thanh Long, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM, người vừa nhận Danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM hồi đầu năm 2024 cho hay, có một số rào cản khiến TPHCM trong những năm qua mặc dù đã "trải thảm đỏ" để tuyển dụng người tài nhưng vẫn chưa thu được kết quả như mong muốn, đó là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị có thể chưa đáp ứng được yêu cầu của các chuyên gia.

Ngoài ra, ông Lê Thanh Long còn cho rằng phúc lợi xã hội và các ưu đãi tài chính có thể chưa đủ cạnh tranh so với các nước trong khu vực, ví dụ như cơ hội việc làm cho vợ/chồng, giáo dục cho con cái và điều kiện sống…

Đồng quan điểm với TS. Hoàng Thế Bân, PGS.TS Lê Thanh Long nhận định cần đơn giản hóa và minh bạch quy trình trong tuyển dụng và hỗ trợ chuyên gia.

Thành phố cũng nên chú trọng hơn vào đầu tư cho cơ sở hạ tầng nghiên cứu và trang thiết bị hiện đại, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho gia đình chuyên gia, đảm bảo họ có môi trường sống tốt. Ngoài ra, Thành phố cần cải thiện thêm về chất lượng cuộc sống, đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông, môi trường và lĩnh vực sản xuất.

Theo tinh thần Nghị quyết 98, HĐND Thành phố cũng ban hành Nghị quyết 27 về quy định mức thu nhập cho chuyên gia, nhà khoa học, những người có tài năng đặc biệt. Đây là Nghị quyết quy định mức thu lao từ 30-100 triệu đồng, chưa kể 100 triệu đồng hỗ trợ ban đầu cũng như hỗ trợ chi phí thuê nhà.

Theo Giám đốc Sở KH&CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng, Sở đã có thông báo để gửi đến các quận, huyện, sở, ngành rà soát các chương trình nội dung mà Thành phố yêu cầu thực hiện để thu hút chuyên gia, đồng thời đề xuất các vị trí gửi về Sở để tiến hành các bước tiếp theo.

Còn đối với Nghị quyết 19 của HĐND Thành phố quy định ưu đãi về tiền lương, tiền công cho một số lãnh đạo quản lý trong các tổ chức KH&CN công lập cũng như thù lao cho hoạt động nghiên cứu KH&CN, UBND Thành phố đã ban hành đề án xây dựng các trung tâm nghiên cứu trên địa bàn, trên cơ sở đó ban hành chi tiết triển khai.

Ông Dũng cho hay, Sở KH&CN cũng đã tổ chức các hội nghị hướng dẫn, tập huấn cho các tổ chức KH&CN công lập. Hiện nay, Sở đã thu hút được 10 đề xuất, chương trình nghiên cứu kéo dài 5 năm, là tiền đề thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học. Hiện Sở đang xúc tiến hội đồng chuyên gia tư vấn độc lập, mời Bộ KH&CN cùng tham gia để đánh giá.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở KH&CN nhận định, các chính sách về ưu đãi chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt mới là điều kiện cần để thu hút nhân tài. Bên cạnh đó, Thành phố cũng phải tiếp tục đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng, điều kiện làm việc, môi trường làm việc thì mới có thể giữ chân lâu dài nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc cho Thành phố.

Anh Thơ

Top