Ứng dụng y tế thông minh vào khám, chữa bệnh: Vui bác sĩ, tiện bệnh nhân

14/12/2022 12:06 AM

(Chinhphu.vn) - Với hàng nghìn lượt khám chữa bệnh mỗi ngày, các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TPHCM gặp không ít áp lực trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Do đó, việc ứng dụng y tế thông minh kỳ vọng sẽ giúp kéo giảm thời gian chờ đợi, đơn giản thủ tục hành chính. Đặc biệt, mang lại hiệu quả điều trị, cứu sống người bệnh.

Ứng dụng y tế thông minh vào khám, chữa bệnh: Vui bác sĩ, tiện bệnh nhân  - Ảnh 1.

Bệnh nhân đưa lịch hẹn trên app điện thoại đã đăng ký trước đó cho nhân viên tiếp nhận thông tin là có thể vào khám - Ảnh: VGP/Ngọc Tấn

Nhằm xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, UBND TPHCM đã ban hành đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030. Mục tiêu của đề án là triển khai chuyển đổi số hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, giúp dự báo và xây dựng chiến lược, nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân.

Trong đó, nổi bật là tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám chữa bệnh, quản lý dịch bệnh bằng nền tảng số, hệ thống điều hành cấp cứu thông minh...

Hết cảnh chờ đợi xếp hàng nhờ gọi điện, tải app

Tại khu khám theo yêu cầu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) hiện không xuất hiện cảnh chen lấn, xếp hàng lấy số. Tại đây, người bệnh chỉ cần gọi điện thoại đặt hẹn trước. Chị N.T.T.T (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết chị gọi điện thoại cho tổng đài đặt lịch khám cho con lúc 10 giờ. Chỉ cần đến giờ hẹn chị đưa con vào bệnh viện khám.

"Trước mỗi lần khám phải đưa con đi từ sáng sớm. Tuy nhiên, giờ có đặt lịch khám tôi chỉ cần đến theo lịch hẹn không cần phải chờ đợi như trước" - chị T. chia sẻ.

Tương tự, chị N.T.C.T (33 tuổi, ngụ Bình Dương) cho biết ở quê lên bệnh viện chỉ việc vào thằng phòng khám mà không cần bốc số, chờ đợi. Bởi từ khi được hướng dẫn sử dụng ứng dụng (app) khám bệnh của bệnh viện chị chỉ cần đặt hẹn và thanh toán tiền khám qua tài khoản ngân hàng.

"Vào bệnh viện tôi chỉ đưa cho nhân viên tiếp nhận thông tin trên điện thoại đã đăng ký trước đó là có thể vào phòng khám. Ứng dụng này rất nhanh và thuận tiện" - chị T. nói.

TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, mỗi ngày, tại Bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000-6.000 bệnh nhi, thậm chí cao điểm lên hơn 8.000 ca bệnh. Số bệnh nhân điều trị nội trú trung bình 1.500-2.000 ca. Với số lượng bệnh nhi lớn nên không tránh khỏi áp lực qúa tải. Tuy nhiên, do ứng dụng CNTT nên quá trình vận hành bệnh viện không ảnh hưởng.

Bệnh viện có 3 đầu số đặt hẹn khám bệnh trước gồm: Gọi điện thoại qua tổng đài 1080, hoặc 19007289 khám hẹn theo yêu cầu; 19007299 đặt hẹn khám tâm lý, trả cước phí theo quy định của nhà mạng từ 3.000 đồng/phút. Ngoài ra, tại bệnh viện còn áp dụng app khám bệnh online "Bệnh viện Nhi đồng 1 - đăng ký khám bệnh online". Chỉ cần tải app, đặt hẹn sau đó thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Chi phí khám bệnh từ 70.000 - 150.000 đồng tùy chọn.

Theo bác sĩ Minh, cách đây hơn 10 năm, bệnh viện bắt đầu triển khai số hóa hầu hết các chứng chứng từ như: giấy chuyển viện, tờ điều trị, thí điểm bệnh án điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, liên thông đơn thuốc. Hiện bệnh viện tự động hóa lấy số thứ tự đăng ký khám, thực hiện xét nghiệm, ki-ốt lấy số thứ tự đăng ký tự động, ki-ốt lấy số thứ tự làm xét nghiệm, đăng ký khám bệnh trực tuyến qua web, điện thoại, mobile app,…

Không lo mất giấy tờ khám bệnh

Còn tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, từ khi triển khai căn cước công dân (CCCD) gắn chip, người bệnh càng thuận tiện hơn trong khám, chữa bệnh. Chị N.H.T (38 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết những lần trước đến khám phải mang theo bảo hiểm y tế (BHYT) và thực hiện các thủ tục mới được vào khám. Tuy nhiên, sau khi được nhân viên y tế hướng dẫn sử dụng CCCD có gắn chip đăng ký khám bệnh, mọi quy trình diễn ra chưa đến 1 phút. "Trước đây đã có lần quên thẻ BHYT phải chạy về lấy rồi quay trở lại rất mất thời gian. Tuy nhiên, từ giờ trở đi tôi chỉ cần mang theo CCCD gắn chip là có thể vào khám bệnh mà không lo các giấy tờ kèm theo" - chị T. chia sẻ.

Vào khu khám bệnh, thay vì đến quầy đăng ký, ông N.T.B (60 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) dừng lại trước màn hình điện tử ở ki-ốt tiếp nhận đăng ký khám bệnh bằng vân tay. Chờ hệ thống xác định đúng tên tuổi, mã số BHYT, ông có thể chọn phòng khám và được máy tự động in số thứ tự. "Nhờ đăng ký dấu vân tay nên đi khám bệnh tiết kiệm được thời gian chờ đợi từ 30 - 60 phút. Đặc biệt, bác sĩ cũng nắm bắt được thông tin lịch sử khám chữa bệnh của của tôi lưu từ trước đó mà không mất thời gian hỏi bệnh lại" - ông B. nói.

Bác sĩ Nguyễn Minh Bằng, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết trước kia có nhiều trường hợp cầm các loại giấy đi khám bệnh nhưng không may bị rơi, thất lạc, đến khi vào khám, bác sĩ cũng khó khăn xác định hồ sơ bệnh án. Bên cạnh đó, có nhiều giấy BHYT mờ do lâu ngày, nhân viên y tế không thể nhìn được mã số BHYT nên việc xác định cũng khó khăn. Hiện bệnh viện đã ứng dụng hệ thống CNTT giúp đỡ nhân viên y tế giảm được gánh nặng hành chính, tập trung khám bệnh.

Theo bác sĩ Bằng, bệnh viện là nơi đầu tiên triển khai thực hiện khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chip. Từ tháng 3/2022 đến nay, đã có 10.469 lượt người được đăng ký khám, chữa bệnh qua hình thức CCCD. "Với số người khoảng 3.000-4.000 bệnh nhân khám mỗi ngày, thì con số này đáng ghi nhận trong công tác chuyển đổi, tích hợp dữ liệu của người bệnh thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào khám chữa bệnh" - bác sĩ Bằng cho hay.

Thoát cảnh tàn phế nhờ trí tuệ nhân tạo

Ứng dụng y tế thông minh không chỉ giúp giảm tải thủ tục hành chính, số hóa trong các giấy tờ mà còn có trí tuệ nhân tạo giúp cứu được nhiều người bệnh hơn.

Bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết đơn vị là bệnh viện đa khoa hạng 1 của Thành phố và là trung tâm điều trị đột quỵ lớn nhất phía Nam. Mỗi năm, tại bệnh viện tiếp nhận 14.000 ca đột quỵ não, chiếm khoảng 8-10% số ca tại các bệnh viện Việt Nam.

Từ giữa năm 2019, bệnh viện đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID vào hoạt động, tạo ra bước ngoặt trong cứu sống người bệnh đột quỵ. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên trên cả nước ứng dụng phần mềm này vào chỉ định can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau 6 giờ.

"Nếu như trước đây, bệnh nhân đột quỵ não đến sau 6 giờ (giờ vàng) sẽ không can thiệp, đối mặt với nguy cơ tàn phế, tử vong. Tuy nhiên, từ khi ứng dụng RAPID đã có hơn 2.200 ca được chẩn đoán và chỉ định can thiệp bằng phần mềm. Kết quả ghi nhận 48% người bệnh được can thiệp thành công, quay trở lại vận động bình thường và thoát khỏi cảnh tàn phế, tử vong" - bác sĩ Sóng vui mừng cho biết.

Cũng theo bác sĩ Sóng, dựa trên phần mềm RAPID, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác vị trí mạch máu tắc, định lượng vùng não chết và vùng não cần cứu chữa. Từ đó, bác sĩ quyết định có nên sử dụng kỹ thuật cao để tái thông, làm tan cục máu đông, hồi phục tổn thương, hạn chế di chứng yếu liệt cho bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân xuất huyết não, phần mềm đo thể tích khối máu tụ, bác sĩ tiên lượng được chính xác khối máu tụ, nâng cao hiệu quả điều trị.

Tỉ lệ người bệnh đột quỵ não nhập viện qua giờ vàng can thiệp tại Việt Nam rất nhiều, trong khi điều kiện cấp cứu, thông tin truyền thông, kiến thức của người dân, phương tiện giao thông còn một số hạn chế. Vì vậy, ứng dụng phần mềm RAPID là cứu cánh cho những người bệnh đột quỵ đến bệnh viện trễ, giúp họ thoát cảnh tàn phế, tử vong.

Ngọc Tấn

Top