Vi mạch bán dẫn là ngành ưu tiên thu hút đầu tư của TPHCM
(Chinhphu.vn) - TPHCM xác định ngành vi mạch bán dẫn là động lực tăng trưởng và là ngành ưu tiên thu hút đầu tư của Thành phố. Đến năm 2030, khu công nghệ cao trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh.
Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam (Semicon Việt Nam 2024) từ ngày 31/10 đến 2/11 tại TPHCM đã diễn ra hội thảo "Xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư ngành vi mạch bán dẫn TPHCM".
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới, với giá trị thị trường hiện đạt khoảng 600 tỷ USD và có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu hiện nay rất phức tạp, vì bao gồm nhiều bước từ quá trình sản xuất nguyên liệu đến sản xuất thành phẩm, phân phối… được phân theo 3 khâu chính là thiết kế, chế tạo và đóng gói.
Những nền kinh tế như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... và một số nước EU đang đóng vai trò quan trọng trong hàng đầu chuỗi cung ứng này và trở thành các trung tâm của ngành công nghiệp bán dẫn. Mặt khác, không có quốc gia nào đầu tư toàn bộ dây chuyền sản xuất bán dẫn khép kín vì mức đầu tư cao và một số vấn đề liên quan, hiệu quả kinh tế. Đồng thời, chuỗi giá trị này được đặc trưng bởi sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc, sự phân công lao động cao và sự hợp tác chặt chẽ trong toàn bộ quá trình sản xuất.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và chuyển giao Công nghệ (IPTC), Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, Việt Nam đang có tiềm năng trở thành trung tâm quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho Việt Nam. Ngành này không chỉ là một phần quan trọng trong ngành công nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số, hỗ trợ Việt Nam nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo thống kê, hiện có 9 tập đoàn và công ty đang đầu tư mạnh, chuyên về lĩnh vực bán dẫn, trong tổng số hơn 50 DN về thiết kế vi mạch, chế tạo, ứng dụng điện tử tại Việt Nam. Trong số 9 công ty, tập đoàn trên, Việt Nam có 4 đơn vị, trong đó có thể kể đến như tập đoàn FPT và Viettel.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu cho rằng: Các DN Việt Nam nên đầu tư ở những giai đoạn đào tạo, thiết kế và chúng ta phối hợp chế tạo với các DN FDI ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn quốc, Ấn Độ… để có sản phẩm đóng gói, có những sản phẩm ứng dụng điện tử, như vậy đỡ mất thời gian và không cần đầu tư nhiều về kinh phí.
Tại TPHCM, ngành vi mạch bán dẫn là ngành ưu tiên thu hút đầu tư của Thành phố. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đề cập lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn trở thành ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Thị Kim Ngọc cho hay, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt "Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM tại Khu công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2030", với có mục tiêu tổng quát là phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Thành phố với hạt nhân là Khu Công nghệ cao có đủ năng lực tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đến năm 2030, Khu công nghệ cao trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh.
Ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng ban Quản lý các KCX-CN TPHCM (Hepza) cho biết, Hepza đang chuẩn bị kế hoạch xúc tiến, mời gọi các DN FDI đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn vào TPHCM. Thành phố sẽ chuẩn bị về nguồn nhân lực cũng như hạ tầng, nhất là hạ tầng về điện nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN ngành vi mạch bán dẫn. Bên cạnh đó, để chuẩn bị hạ tầng cho các nhà đầu tư, Hepza dự kiến đầu tư mới KCN Phạm Văn Hai ( đang ở giai đoạn đấu thầu và tư vấn)
Trong khuôn khổ hội thảo, Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM đã ký biên bản ghi nhớ với Hội xúc tiến hợp tác đổi mới sáng tạo doanh nghiệp công nghệ cao Thẩm Quyến (Trung Quốc) và Công ty CP bán dẫn và trí tuệ nhân tạo Việt Nam nhằm thúc đẩy sự hợp tác song phương trong lĩnh vực ngành công nghiệp bán dẫn cũng như đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn...
Anh Lê