Việt Nam tiếp tục là "điểm đến" hấp dẫn của các nhà đầu tư
(Chinhphu.vn) - Tại diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022 với chủ đề “gỡ điểm nghẽn, đón dòng vốn mới” diễn ra ngày 24/5 tại TPHCM, nhiều ý kiến nhận định Việt Nam tiếp tục là “điểm đến” hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Ông Lance Li, Tổng giám đốc Công ty BW Industrial cho rằng, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam nhiều triển vọng đón dòng vốn mới khi kinh tế trên đà hồi phục, lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng khởi sắc… Cụ thể, tình hình giải ngân vốn FDI tại Việt Nam trong quý I/2022 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong năm 5 gần đây. Trong đó, có 78% vốn giải ngân trong quý I/2022 được dành cho lĩnh vực sản xuất.
Bên cạnh đó, Việc Nam được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ASEAN năm 2022 với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,5%.
Ông Lance Li cho rằng, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam cũng khởi sắc, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam ghi nhận tăng trưởng 7 tháng liên tiếp. Cùng với đó, thị trường lao động trên đà phục hồi do tỉ lệ tiêm chủng COVID-19 cao. Việt Nam tiếp tục là "điểm sáng" thu hút các doanh nghiệp FDI lớn. Có thể kể đến những thương hiệu nổi tiếng như: LG đầu tư thêm 1,4 tỷ USD tại Hải Phòng, tập đoàn LEGO đầu tư nhà máy 1 tỷ USD tại Bình Dương, các tập đoàn lớn như Samsung, Nike, Pandora… tiếp tục cam kết mở rộng đầu tư
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng hỗ trợ các công ty trong nước, đào tạo nhân sự để họ nâng cao tay nghề và năng lực sản xuất, qua đó có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng. Do đó, chính sách của Việt Nam cần giúp đỡ, hỗ trợ lao động làm việc trong các công ty được tốt hơn, để giữ chân lao động, tạo yên tâm cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, theo bà Trang Bùi, Việt Nam lập quy hoạch vùng để tạo ra kết nối các tỉnh, thành công nghiệp là tốt, nhưng nút thắt ở đây là thường triển khai chậm, hoàn thành chậm. Hạ tầng bên trong một tỉnh chưa được kết nối và tích hợp, do đó, khó thu hút đầu tư và phát triển logictics.
Để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, chia sẻ tại diễn đàn, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư nhấn mạnh, Việt Nam cần giải quyết tốt hơn các chính sách, thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng nhanh hạ tầng cũng như các chính sách về an sinh xã hội tốt hơn cho người lao động để giữ chân người lao động làm việc trong các nhà máy.
Đồng thời đẩy mạnh quy trình số hóa trong thủ tục hành chính, đây là điều kiện quan trọng để tạo bước "nhẩy vọt"trong thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, trong bối cảnh dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn các hoạt động luân chuyển hàng hóa, làm trì hoãn tiến độ thực hiện các dự án, Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Trong năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng, đặc biệt vốn đầu tư mở rộng tăng mạnh tới 40,5%.
Bốn tháng đầu năm 2022, đã có 10,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Trong đó, vốn đầu tư tăng thêm là 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5% so với cùng kỳ, cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh và các giải pháp, chính sách phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 của Việt Nam.
Sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa của thế giới tăng cao sẽ càng tăng cường vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho sản xuất, là một phần của chuỗi cung ứng. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam tập trung thực hiện biện pháp phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ; bổ sung các chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI hiệu quả, chất lượng cao.
Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.
Hiện nay, cả nước có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000 ha. Bất động sản tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường.
Từ năm 2015 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO và một số tổ chức quốc tế thực hiện thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và đảm bảo nhu cầu cho người lao động.
Tại các khu công nghiệp sinh thái, các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp.
Lê Anh