Viết, vẽ bậy: Quy định có nhưng thực hiện không nghiêm

02/08/2022 8:18 AM

(Chinhphu.vn) - Đã có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ di sản văn hoá; vệ sinh môi trường; trật tự, vệ sinh và mỹ quan đô thị… được ban hành. Trong đó chỉ ra cụ thể các hình thức vi phạm, các mức xử phạt, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết… Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là các hình thức vi phạm đang ngày một nhiều, ngày một trầm trọng, nhất là ở các thành phố lớn.

Viết, vẽ bậy: Quy định có nhưng thực hiện không nghiêm - Ảnh 1.

Toa tàu metro số 1 bị xịt sơn vẽ bậy mới đây

Vi phạm ngày càng nhiều, mức độ ngày càng trầm trọng

Thời gian gần đây, trên nhiều thành cầu, công trình công cộng, các tuyến đường của TPHCM, kể cả vùng trung tâm và nơi tôn nghiêm xuất hiện ngày càng nhiều những hình vẽ graffiti với những nội dung phản cảm, hình thù kỳ quái. Các tuyến phố đông người qua lại với nhiều công trình đẹp cũng trở thành nhếch nhác bởi vô số hình vẽ, quảng cáo, đèn hoa loè loẹt, nham nhở với nhiều nội dung khác nhau... Một vị khách nước ngoài lắc đầu nhận xét: Bên chúng tôi cũng có tình trạng này, nhưng chủ yếu chỉ ở các khu ổ chuột, xóm nghèo, vùng hẻo lánh. Và nếu bị bắt sẽ phạt rất nặng.

Như cầu Thủ Thiêm 2, mới khánh thành được 3 tháng, được xem là biểu tượng mới của Thành phố, thu hút nhiều người dân và du khách đến thăm quan, vui chơi nhưng cũng đã xuất hiện nhiều nét vẽ nguệch ngoạc ở lan can cầu thang, dưới chân cầu…

Nghiêm trọng hơn, cách đây không lâu, hai toa tàu thuộc tuyến metro số 1 của TPHCM  vừa mới nhận từ Nhật về, còn trên công trường, chưa kịp vận hành đã bị vẽ bậy đầy các hình thù quái gở.

Nhiều nơi thờ tự tôn nghiêm, công trình văn hoá… cũng không được các hoạ sĩ "không mời" chừa ra. Nhiều người dân thì đành thở dài, cam chịu cảnh nhà mình chỉ trong một đêm bị gắn lên những hình vẽ lem nhem. Sơn lại thì không có tiền. Mà có sơn rồi lại bị vẽ. Nhiều nhà cùng chung số phận nên chẳng biết kêu ai.

Viết, vẽ bậy: Quy định có nhưng thực hiện không nghiêm - Ảnh 2.

Hành vi viết, vẽ bậy lên tường, cửa nhà hoặc tường công cộng có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.

Quy định khá cụ thể, chi tiết

Đã có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ di sản văn hóa, vệ sinh môi trường… Cụ thể, Luật Di sản văn hóa năm 2013 đã quy định về xử phạt các hành vi hủy hoại, làm sai lệch di sản văn hóa. Theo Điều 13 Luật Di sản văn hóa, hành vi viết, vẽ bậy lên di sản được khép vào tội "hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa". Tại Điều 23 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ 25/8/2022. Điều 25 Nghị định ghi rõ về việc xử phạt các vi phạm về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm… Điều 68, Điểm c, Khoản 1 quy định: Nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Hành vi thu gom, thải rác trái quy định bị xử phạt: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, khu thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Điều 57 quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc về lực lượng Công an nhân dân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo Nghị định 144/2021, hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Cơ quan bị thiệt hại có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Khoản 18, Điều 1 Nghị định 55/2021/NĐ-CP quy định: Phạt từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (như tiểu bậy...) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, khu thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng…

Quy định pháp luật vây là khá cụ thể, chi tiết, nhưng do thi hành không nghiêm nên chưa đủ sức răn đe, khó hạn chế vi phạm.

Cần giám sát chặt, chế tài mạnh, hành pháp nghiêm

Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, để bảo vệ di sản, các địa phương cần thực hiện nghiêm những quy định.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên Huế nhận định, trên thực tế, trong xử phạt và công tác quản lý, giám sát, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chưa cao, chưa kiên quyết. Vi phạm phải xử bằng luật chứ không bằng khẩu hiệu suông.

Khâu quan trọng là phải truyền bá kiến thức luật pháp tới người dân. Pháp luật phải có vai trò răn đe và hạn chế vi phạm. Phải treo bảng cấm, niêm yết những quy định tại các nơi công cộng và phân công người giám sát thường xuyên.

Việc tuân thủ, chấp hành luật pháp phải bắt đầu từ ý thức người dân, từ việc giáo dục, hình thành nhân cách cho trẻ nhỏ. Dạy cách hành xử văn hóa cho lớp trẻ để họ biết tôn trọng những giá trị di sản. Họ sẽ hành động đúng nếu hiểu giữ gìn môi trường, mỹ quan cho đô thị, cho nơi mình sinh sống là vì chính cuộc sống của bản thân.

Cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn các bước xử lý, các chế tài luật pháp, quyền hạn và trách nhiệm cho lực lượng chức năng, Quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm. Có hình thức khen thưởng xứng đáng cho địa phương, đơn vị và cá nhân kiểm soát và xử lý tốt.

Kim Ngân

Top