Viết về đại dịch COVID-19 chính là sự ghi nhận cho lịch sử

08/08/2023 1:33 PM

(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, đây không phải là cuộc thi như bao cuộc thi khác, không phải giải thưởng như bao giải thưởng khác mà đó là hành động để cảm ơn, xa hơn là một sự ghi nhận cho lịch sử sau này.

Viết về đại dịch COVID-19 chính là sự ghi nhận cho lịch sử  - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trao 2 giải Nhất Cuộc vận động - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sáng 8/8, TPHCM tổ chức Lễ tổng kết trao giải Cuộc vận động viết về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến tham dự buổi lễ.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải, trong quá trình tổ chức, triển khai Cuộc vận động, dù trong giai đoạn ngắn nhưng các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có gắng vận động nhiều cá nhân, tập thể  tham gia. Nhiều nơi thậm chí đã ban hành kế hoạch tổ chức thi riêng tại đơn vị mình và tuyển chọn các bài đoạt giải cao gửi về dự thi cấp thành phố.

Cũng theo ông Hải, các bài dự thi hầu hết đạt chất lượng tốt, nêu được các yếu tố điển hình, câu chuyện ý nghĩa và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực. Hội thi diễn ra thành công chính là nhờ sự tham gia tích cực của nhiều cá nhân, đơn vị và sự chỉ đạo với tinh thần trách nhiệm cao của từng đơn vị, địa phương.

Ban Tổ chức đã nhận được 2.267 bài dự thi, chọn ra 245 tác phẩm vào chung khảo và từ đó, chọn được 48 tác phẩm của cá nhân, 36 tác phẩm của tập thể đoạt giải.

Viết về đại dịch COVID-19 chính là sự ghi nhận cho lịch sử  - Ảnh 2.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến trao giải cho các cá nhân - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Nêu bật phẩm chất đáng quý của người dân TPHCM

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Trịnh Bích Ngân, thành viên Ban Giám khảo, dù đã đảm nhận vị trí giám khảo của nhiều cuộc thi nhưng chưa lần nào bà cũng như các thành viên khác lại được tiếp nhận một khối lượng bản thảo đồ sộ với số lượng tác giả nhiều như cuộc vận động này.

Cũng chưa có cuộc vận động viết nào mà người tham gia đa dạng, phong phú từ nhiều ngành, nhiều nghề, nhiều tầng lớp nhân dân đến vậy, từ thầy cô giáo, y bác sĩ, người tu hành đến đội ngũ cán bộ viên chức của hệ thống chính trị các cấp, từ xã, phường, quận, huyện đến thành phố.

Viết về đại dịch COVID-19 chính là sự ghi nhận cho lịch sử  - Ảnh 3.

Đại diện các tập thể nhận giải thưởng - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo bà Ngân, những bài viết tuy ngắn, gọn và mộc mạc, những ghi chép, hay đơn giản chỉ kể câu chuyện được - mất của mình, của người thân, của người quen biết, của những người tham gia công tác phòng chống dịch ở địa phương …nhưng chan chứa yêu thương và lay động lòng người, bởi từng con chữ được viết bằng sự rung động của trái tim.

"Điều hết sức đặc biệt ở cuộc vận động viết này, là các tác phẩm đã làm bật lên ký ức đáng nhớ và phẩm hạnh cao quý của người dân TPHCM. Vẻ đẹp bình dị của người dân thành phố mang tên Bác, bất cứ lúc nào cũng có và bất cứ ở đâu cũng gặp", bà Ngân bày tỏ và dẫn chứng bằng một đoạn trong bài viết của PGS.TS Phạm Thị Dung, Trưởng đoàn công tác Trường Đại học Y Dược Thái Bình, một đoàn công tác đặc biệt với 5 thầy cô và 245 sinh viên, đã tiếp sức cho TPHCM suốt 2 tháng trong tâm dịch:

"…nhưng vượt lên tất cả, dấu ấn chúng tôi không thể nào quên đó là tính cách hào sảng, tấm chân tình của người Sài Gòn mà chúng tôi gặp mọi lúc, mọi nơi. Có ai đó từng nói "người Sài Gòn tánh kỳ" cứ thấy ai khó là giúp, dù mình chẳng dư giả gì nhiều. Không ồn ào, phô trương, những tấm lòng nhân ái cứa âm thầm lan tỏa, cùng vực nhau vượt qua đại dịch nhưng vẫn luôn rực rỡ ngọn lửa tình người, của trách nhiệm xã hội, của nghĩa đồng bào…"(bài "Chuyến công tác đặc biệt trong đời").

Viết về đại dịch COVID-19 chính là sự ghi nhận cho lịch sử  - Ảnh 4.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ xúc động và cám ơn các cơ quan, đơn vị đã có sáng kiến tổ chức cuộc vận động; cảm ơn những cá nhân, tổ chức đã tham gia thực hiện cuộc vận động rất nhiều ý nghĩa này.

"Chúng ta đều cảm thấu được ý nghĩa và giá trị của những điều viết lại hôm nay. Những người tham gia không chỉ viết bằng con chữ mà viết bằng niềm tin, không chỉ biết cho mình mà viết cho cuộc đời", Bí thư Thành ủy nhận định.

Ông Nên cũng cho rằng, đây không phải là cuộc thi như bao cuộc thi khác, không phải giải thưởng như bao giải thưởng khác mà đó như một hành động để cảm ơn, xa hơn là một sự ghi nhận cho lịch sử sau này.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy cũng thống nhất với nhận định, đây là buổi lễ tổng kết nhưng câu chuyện dài nhiều tập này mới chỉ bắt đầu.

"Đại dịch và quá trình vượt qua đại dịch còn rất nhiều điều để viết, để nói. Đó là bài học không hề nhỏ đối với cuộc sống chúng ta trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta cần tiếp tục cuộc vận động này với trách nhiệm cao nhất và đi sâu vào cuộc sống hơn nữa để viết, để kể, để ghi lại".

Anh Thơ

Top