Xóa bỏ tâm lý sợ sai của cán bộ trong thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15
(Chinhphu.vn) - TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 nhấn mạnh điều này tại Tọa đàm "Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98/2023/QH15", do Báo SGGP tổ chức sáng 31/8.
Tọa đàm có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị, các chuyên gia.
Theo TS. Trần Du Lịch, Nghị quyết 98 sẽ tạo công cụ pháp lý để gỡ 2 điểm nghẽn khiến TPHCM ngày càng mất vai trò, vị trí đầu tàu trong những năm qua, đó là thể chế và hạ tầng.
Vị chuyên gia này cho rằng nếu Thành phố gỡ được thể chế thì sẽ gỡ được hạ tầng. Bản chất các nội dung trong Nghị quyết 98 tập trung ở 3 nhóm vấn đề là mở rộng phân cấp, phân quyền, chính sách tạo động lực mới, huy động nguồn thu và xây dựng mô hình chính quyền thành phố trong lòng thành phố (TP. Thủ Đức).
Để Nghị quyết 98 tạo ra lực đẩy cho TPHCM, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh điểm quan trọng nhất là các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, HĐND Thành phố cần sớm được hình thành, tạo ra một khung quy định để đảm bảo trách nhiệm và sự an toàn cho bộ máy trong quá trình thực thi, dẹp bỏ tâm lý sợ sai của cán bộ. Khi việc này được giải quyết thì bộ máy mới hoạt động hiệu quả được.
Ông Lịch nhìn nhận, Nghị quyết 98 tạo ra công cụ, nhưng để tận dụng công cụ này và triển khai thực hiện có hiệu quả là một quá trình. Do đó, TPHCM cần chọn những việc làm trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn, kiểu mẫu để nhanh nhất có sản phẩm, người dân thụ hưởng và tin tưởng Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống.
Chọn lựa khâu đột phá
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng bày tỏ, để triển khai Nghị quyết 98, Thành phố cần chọn khâu đột phá. Hiện TPHCM đang chọn bất động sản, tập trung chủ yếu vào hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, hạ tầng của Thành phố mới tập trung cho đường bộ, chưa nói đến đường sắt, đường thủy, hàng không. Mục tiêu phát triển hạ tầng của TPHCM là giảm được chi phí logistic, nếu giữ nguyên thì rất khó.
Chuyên gia này cũng góp ý thêm, TPHCM muốn phát triển đô thị thì phải phát triển bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp, trong khi hiện TPHCM chưa chú trọng đến bất động sản công nghiệp. Với Nghị quyết 98, muốn phát triển mô hình TOD thì phải phát triển bất động sản công nghiệp, việc này thuộc thẩm quyền của Thành phố.
Với các tuyến giao thông, nhất là đường sắt và metro, ông Kiên cho rằng TPHCM cần phải có các doanh nghiệp sản xuất phương tiện, đóng được toa xe… Hiện dự án metro là rất lớn nhưng chúng ta chưa sản xuất được gì trong đó.
3 lực đẩy từ Nghị quyết 98
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, qua một tháng quán triệt thực hiện Nghị quyết 98, có thể nhìn nhận rõ 3 lực đẩy mà Nghị quyết mang lại.
Thứ nhất là Nghị quyết 98 giúp TPHCM làm tốt hơn những nhóm công việc mà trước đây đã làm tốt, ví dụ như chương trình kích cầu.
Thứ hai, Nghị quyết 98 giúp Thành phố thực hiện những nhóm việc đã có trong tính toán nhưng chưa có cơ chế thực hiện như đầu tư bằng phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; phát triển TP. Thủ Đức thành trung tâm đổi mới sáng tạo, tương tác cao… Mấu chốt là Nghị quyết 98 đã giải quyết những vướng mắc về con người, về bộ máy, đây là tiền đề để TP. Thủ Đức và TPHCM phát triển.
Thứ ba, Nghị quyết 98 đã mở ra cho TPHCM nhiều ý tưởng phát triển mới mà trước đây chưa nghĩ tới. Ông Vũ nêu, như trước đây, ít ai nghĩ đến việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ, giao dịch tín chỉ carbon với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế để tạo nguồn thu ngân sách. Từ khi có Nghị quyết 98, nhiều ý tưởng gửi về cho Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM về giao dịch tín chỉ carbon. huyện Cần Giờ hiện nay trong định hướng phát các lĩnh vực cũng đã gắn với tín chỉ carbon này.
Anh Thơ