Bài 1: Triển khai Nghị quyết 98 - Nỗ lực 'khơi' các cửa ngõ giao thông
(Chinhphu.vn) - Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98) được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2023, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Sau hơn 1 năm triển khai, hiện TPHCM đang nỗ lực đưa Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống mà trước hết là tạo đột phá trong phát triển hạ tầng đô thị. Báo Điện tử Chính phủ thực hiện tuyến bài phản ánh về vấn đề này dưới góc độ triển khai 5 dự án BOT, dự án vành đai 3 TPHCM và thực hiện thí điểm mô hình TOD.
Nghị quyết 98 cho phép vận dụng trở lại hình thức BOT đã giúp TPHCM khơi thông được điểm nghẽn về vốn. Đây là cơ sở để Thành phố triển khai trở lại các dự án bị treo vì thiếu vốn và các dự án mới, phát triển hạ tầng giao thông, xứng với tiềm năng và lợi thế.
Khơi thông điểm nghẽn về vốn
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, trước đây ngân sách TPHCM chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đầu tư cho giao thông, điều này khiến các dự án mở rộng đường sá khu vực cửa ngõ ở Thành phố "giẫm chân tại chỗ" vì thiếu vốn. Tuy nhiên Nghị quyết 98 đã cho phép Thành phố triển khai các dự án theo hình thức BOT, mở ra cơ hội để Thành phố khơi thông nguồn lực, phát triển hạ tầng.
Đặc biệt, Nghị quyết 98 cho phép ngân sách TPHCM tham gia đến 70% tổng mức đầu tư dự án BOT trên tuyến đường hiện hữu. Công tác giải phóng mặt bằng được tách riêng thành dự án độc lập, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố.
Hiện trên địa bàn Thành phố có hơn 100 tuyến đường trục chính được quy hoạch có thể triển khai hình thức BOT theo cơ chế mới. Tuy nhiên trước mắt, Sở GTVT chọn 5 dự án thực sự cấp bách đề xuất với UBND Thành phố ưu tiên thí điểm làm trước.
Thực hiện Nghị quyết 98, ngày 15/9/2023, HĐND TPHCM đã ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu theo hình thức BOT đối với 5 dự án cửa ngõ của Thành phố.
Đánh giá về vai trò của Nghị quyết 98 trong việc phát triển hạ tầng đô thị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết Nghị quyết cho phép Thành phố vận dụng trở lại hình thức BOT, giúp khơi thông được điểm nghẽn về vốn. Đây là cơ sở để Thành phố triển khai trở lại các dự án bị "treo" vì thiếu vốn và các dự án mới, phát triển hạ tầng giao thông, xứng với tiềm năng và lợi thế.
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng, các dự án BOT nhằm ưu tiên giải quyết những tuyến đường cửa ngõ, kết nối vùng trong tình trạng quá tải, kẹt xe, nhất là kết nối với vành đai 3, vành đai 4 trong tương lai; xóa tình trạng ùn tắc, tạo động lực phát triển hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy nhanh tiến độ, sớm triển khai 5 dự án BOT cửa ngõ
TPHCM khái toán sẽ đầu tư hơn 44.591 tỷ đồng để thực hiện dự án mở rộng trục đường Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm (dài 7,5 km, rộng 60 m), dự án mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ đường Kinh Dương Vương đến ranh giới tỉnh Long An, dài 9,6 km, rộng từ 52 - 60 m). Cùng với đó là dự án mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh giới tỉnh Bình Dương dài gần 5,9km, rộng từ 53 - 60 m), dự án mở rộng Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 dài 9,1 km, rộng 60 m), dự án cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh dài 3,2 km, rộng từ 30 - 40 m).
Cụ thể, dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc, khai thông việc đi lại ở cửa ngõ phía nam. Dự án có tổng vốn hơn 6.200 tỷ đồng, dự kiến đến quý I và quý II/2025 sẽ lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án; quý III/2025 sẽ lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án PPP để đến quý IV/2025 hoặc quý I/2026 khởi công, hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2028.
Dự án đường trục Bắc - Nam đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng mức đầu tư dự kiến là 5.024 tỷ đồng; tháng 8/2024 Sở GTVT TPHCM đã phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng.
Với dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu 1 đến ngã tư Bình Phước (TP. Thủ Đức, tổng mức đầu tư dự kiến là 13.851 tỷ đồng), cửa ngõ chính phía đông bắc là tuyến đường thường xuyên ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cũng vừa được UBND TPHCM đưa vào danh mục dự án tiêu biểu cấp thành phố thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Để kịp khởi công, Sở GTVT TPHCM đang khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Dự kiến trình HĐND TPHCM thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong quý IV năm nay.
Ở cửa ngõ phía tây, hiện Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh thường xuyên ùn ứ kéo dài, xe máy và ô tô trộn làn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Để giải quyết tình trạng này, Thành phố đang triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ đường Kinh Dương Vương đến ranh giới tỉnh Long An. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 12.876 tỷ đồng; tháng 8/2024, Sở GTVT TPHCM đã phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng; dự kiến quý IV/2024 sẽ trình thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Tình hình tương tự trên Quốc lộ 22, cửa ngõ phía tây bắc kết nối TPHCM với Tây Ninh và Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài. Nhiều năm qua, dự án mở rộng tuyến giao thông huyết mạch này bị "đứng hình" do chưa tìm kiếm được nguồn vốn và phương thức đầu tư hợp lý.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3 có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7.173 tỷ đồng; tháng 8/2024, Sở GTVT TPHCM cũng đã phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng; dự kiến quý IV/2024 sẽ trình thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Để sớm triển khai 5 dự án BOT cửa ngõ, từ đầu năm 2024, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thực hiện với nội dung trọng tâm là ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước, kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện dự án. Theo kế hoạch, Thành phố sẽ hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án trong quý III/2025, qua đó triển khai dự án từ năm 2025 đến năm 2028. Các công trình dự kiến khởi công xây dựng từ quý IV/2025 và quý I/2026; hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2027 đến năm 2028.
Thời điểm này, TPHCM đang nỗ lực chuẩn bị hồ sơ, nguồn vốn để triển khai 5 dự án BOT cửa ngõ, kỳ vọng khi hoàn thành sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông tồn tại lâu nay, tạo thông thoáng khu vực cửa ngõ, tăng cường kết nối năng lực vận tải, giao thương cũng như phát huy vai trò trung tâm của TPHCM trong vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Tây.
Nam Đàn