Chuyên gia, trí thức kiều bào “bày” cách nâng tầm cho TPHCM

16/01/2022 4:53 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2021, nhiều chương trình, hoạt động kết nối giữa chính quyền TPHCM và chuyên gia, trí thức kiều bào phải thay đổi do dịch COVID-19. Thế nhưng, với tâm huyết đóng góp phát triển Thành phố, rất nhiều chuyên gia, trí thức kiều bào từ khắp nơi trên thế giới đã tích cực kết nối với Thành phố thông qua các cuộc gặp trực tuyến ở nhiều cấp độ. Thậm chí nhiều nhà khoa học đã chủ động gửi cho Thành phố những nghiên cứu rất tâm huyết, với mong mỏi đóng góp để nâng tầm cho Thành phố.

Chuyên gia, trí thức kiều bào “bày” cách nâng tầm cho TPHCM - Ảnh 1.

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM trao tặng Huy hiệu và Bằng khen cho các kiều bào có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của Thành phố.

Chính quyền "không chạm"

Phát biểu tham luận tại Hội nghị Gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của TPHCM, chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh trở lại bình thường mới hậu COVID-19: Vấn đề và kiến nghị” do UBND TPHCM tổ chức, Giáo sư Hà Tôn Vinh, Việt kiều từ Hoa Kỳ đặt kỳ vọng TPHCM cần đi đầu cả nước áp dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi sang mô hình chính phủ điện tử, chính quyền số từ cấp phường đến quận huyện, đến Thành phố, hướng đến xây dựng đô thị thông minh. GS. Hà Tôn Vinh cho rằng, tất cả các văn bản, các hoạt động quản lý doanh nghiệp của chính quyền cần đuợc số hóa, chuyển sang dịch vụ công trực tuyến, tạo đà cho Thành phố trở thành một chính quyền đô thị minh bạch, giảm dần các hiện tượng nhũng nhiễu, tham nhũng.

Một trong những giải pháp của vấn đề này là chính quyền và doanh nghiệp cần chung tay và đi đầu trong việc xử lý các thủ tục hành chính không giấy tờ, ít hoặc không tiếp xúc, hội họp qua mạng; các hoạt động kinh doanh sử dụng thanh toán bằng chuyển khoản, không dùng tiền mặt, tiến dần đến một nền kinh tế gọn nhẹ và hiệu quả.

Bên cạnh đẩy mạnh truyền thông vấn đề này, hình thành kỹ năng, thói quen sinh sống và làm việc của người dân và doanh nghiệp, GS. Hà Tôn Vinh cho rằng, Thành phố cần có những biện pháp bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân và quyền riêng tư của người dân và doanh nghiệp, vì đây là rào cản lớn nhất cho việc chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số.

Tiến sĩ Kinh tế Phan Bích Thiện, Việt kiều từ Hungary nêu kinh nghiệm thực hiện chính quyền điện tử tại Hungary qua cách làm trong lĩnh vực y tế. Đó là xây dựng cơ sở dữ liệu của các bệnh viện. Tại các bệnh viện, bệnh án của bệnh nhân đều được đưa vào cơ sở dữ liệu chung và các đơn vị y tế khác nhau có thể đánh giá lịch sử bệnh án qua số căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh.

Thậm chí dữ liệu được kết nối với cơ sở dữ liệu các hiệu thuốc. TS. Thiện cho biết việc này đã thực hiện thành công ở Hungary, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điện tử cho bệnh nhân và bệnh nhân chỉ cần cung cấp số thẻ bảo hiểm y tế thì nhà thuốc sẽ thấy đúng toa thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Từ Nhật Bản, ông Steve Bùi mong muốn TPHCM sẽ trở thành một thành phố thông minh chứ không chỉ dừng lại ở phân cấp chính quyền điện tử, chính quyền số. Ông cho rằng cần "thông minh" hóa các lĩnh vực chủ chốt của một thành phố, trong đó có giao thông thông minh. Các hệ thống cảnh báo lưu lượng giao thông thông minh, hệ thống phân luồng giao thông tự động, hệ thống giám sát cảnh báo tai nạn… phải hướng đến nâng cao tính tương tác giữa các thực thể tham gia giao thông. Một giải pháp tối quan trọng cần có theo ông Steve Bùi là quy hoạch "thông minh" cho từng lĩnh vực và trong một tổng thể gắn bó chặt chẽ.

Nâng tầm Thành phố từ trạm xe buýt

Nhiều kiều bào đã gửi gắm cho chính quyền Thành phố những hiến kế rất cụ thể như phát triển hệ thống giao thông công cộng phù hợp với điều kiện thực tế tại TPHCM, đó là hệ thống xe buýt.

Tiến sĩ Dương Minh Trí - Viện Vật lý TPHCM chia sẻ từ trải nghiệm sau những năm sinh sống tại Berlin, Đức. Ông mong mỏi TPHCM sớm trở thành một thành phố có tầm cỡ quốc tế và bắt đầu từ việc nâng cao, hoàn thiện hệ thống xe buýt

Việc đầu tiên cần làm để cải thiện hệ thống xe buýt của Thành phố là dọn dẹp vệ sinh, săn sóc thường xuyên các trạm xe buýt. Qua cảm nhận của TS. Dương Minh Trí, hầu hết các trạm xe buýt hiện khá nhếch nhác, bản đồ thành phố đã cũ, bị bôi bẩn, gần như không ai chăm sóc. Trong khi du khách quốc tế đến TPHCM rất muốn trải nghiệm giao thông công cộng, họ muốn đánh giá nhanh bộ mặt thành phố, trình độ văn hóa, kể cả trình độ công nghệ , mức sống của người dân, vấn đề an ninh… qua trải nghiệm xe buýt.

Ông Trí đề nghị tại các trạm xe buýt rất cần bảng ghi lịch trình tuyến xe buýt đi qua, hiển thị bảng điện tử và thông báo niêm yết theo cách truyền thống. Ngoài ra, một hệ thống xe buýt điện không gây ô nhiễm môi trường sẽ nâng cao thêm tầm cỡ của TPHCM.

Cũng liên quan đến không gian giao thông đô thị, TS. Đặng Lương Mô đề xuất TPHCM khuyến khích người dân kinh doanh bãi đậu. Theo phân tích của nhà khoa học đã nhiều năm sống tại Nhật, một bãi đậu lập thể chỉ chiếm diện tích đất bằng một căn nhà phố, nếu xây cao 5 tầng có thể thu dung được trên 30 chiếc xe con. Trường hợp này, nếu người dân tích cực kinh doanh bãi đậu xe, thì chính quyền Thành phố nên có những biện pháp khuyến khích, hỗ trợ, như ưu đãi lãi suất, hướng dẫn thiết kế, xây dựng phù hợp với cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường.

Băng Tâm

Top