Đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ: Phải hướng đến mục tiêu dài hạn
(Chinhphu.vn) - Tại hội thảo khoa học “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI trên các lĩnh vực” do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 22/6, TS. Trần Du Lịch cho rằng nhìn bài toán phát triển kinh tế TPHCM theo hướng bền vững không chỉ là tăng GRDP trong ngắn hạn, mà phải hướng đến mục tiêu dài hạn.
Có nhiều điểm sáng
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đặt ra mục tiêu Thành phố giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và trở thành trung tâm về nhiều mặt của khu vực, trong đó đề ra 3 chương trình đột phá, gắn liền với 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động lớn, bất định với những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Năm 2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nặng nề và sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội, làm suy giảm những thành tựu phát triển mà Thành phố đã nỗ lực đạt được trong suốt nhiều năm qua.
Bước vào năm 2022, kinh tế Thành phố dần đi vào phục hồi nhưng đến đầu năm 2023 lại tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức mới khó lường từ bối cảnh xung đột quốc tế gây ra và từ những yếu kém nội tại chưa được khắc phục.
Với sự quyết liệt của lãnh đạo Thành phố, đến nay, GRDP Thành phố tăng bình quân khoảng 2%. Trong đó, giai đoạn 2021-2022, ảnh hưởng đại dịch, bình quân GRDP chỉ tăng 1,58%. Sáu tháng đầu năm 2023 chỉ tăng khoảng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù vậy, Thành phố vẫn luôn nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước. Ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 đạt 1.333.191 tỷ đồng, bằng hơn 109% so với dự toán và tăng gần 30% so với giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng thu bình quân hơn 26%.
Bên cạnh đó, một số tín hiệu tích cực khác được ghi nhận như tốc độ tăng năng suất lao động có chuyển biến tích cực (năm 2021 đạt 3,3%, năm 2022 đạt 4,8%), bình quân giai đoạn 2021 - 2022 tăng khoảng 4%; giá trị năng suất lao động Thành phố gấp 1,8 lần so với trung bình của cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2022 và 6 tháng năm 2023 ước đạt 2.511.444 tỷ đồng, tăng 14,7% so với quy mô nửa nhiệm kỳ trước; giai đoạn 2021 - 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 111,5 tỷ USD, tăng 32,4%.
Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, kinh tế Thành phố chưa ghi nhận dấu hiệu đột phá trong phát triển, thể hiện rõ nét nhất trong kết quả về tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 nói chung và giai đoạn nửa đầu nhiệm kỳ nói riêng có cải thiện nhưng chưa có đột phá, tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào vốn và lao động.
Thành phố cũng gặp khó khăn trong huy động vốn đầu tư phát triển cũng như việc giải ngân vốn đầu tư đạt mức thấp. Giai đoạn 2021-2022 có sự sụt giảm lớn về tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP, bình quân chỉ đạt 20,1% trong khi thời kỳ 2011-2020 đạt 31,8%. Nhiều dự án quan trọng kéo dài, chưa thể đưa vào khai thác dẫn đến lãng phí nguồn lực. Mức độ quá tải về hạ tầng kinh tế, xã hội đang ngày càng gia tăng. Năng lực quản trị không theo kịp yêu cầu quản lý phức tạp của một đô thị quy mô lớn.
Tham luận tại hội nghị, theo quan điểm của TS Trần Du Lịch, việc đánh giá những kết quả thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế cả nước nói chung và trên địa bàn TPHCM nói riêng trong nửa nhiệm kỳ cần được đặt trong bối cảnh đặc biệt: Đại dịch COVID-19 và sự bất ổn, suy giảm của kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, theo ông Lịch, một nửa thời gian thực hiện mục tiêu kinh tế giai đoạn 2021- 2025 đã đi qua nhưng thực chất Việt Nam nói chung và rõ nhất là TPHCM đã mất hơn 2/3 thời gian để vượt qua và khắc phục hệ quả của đại dịch COVID-19, nên không thể chỉ lấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, để đánh giá kết quả thực hiện. Theo đó, cần nhìn ở những nỗ lực của cả hệ thống chính trị thông qua các chính sách, giải pháp biện pháp nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch và ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát,...
"Ở khía cạnh này thì Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vẫn có nhiều điểm sáng. Do đó, nhìn bài toán phát triển kinh tế Thành phố theo hướng bền vững không không chỉ là tăng GRDP trong ngắn hạn, mà phải hướng đến mục tiêu dài hạn theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ chính trị về Thành phố", TS Trần Du Lịch nhìn nhận.
TPHCM phải vượt trội về năng lực cạnh tranh
Lý giải nguyên nhân tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM phục hồi khá mạnh mẽ trong năm 2022, nhưng lại giảm sâu vào quý 1/2023, TS Trần Du Lịch cho rằng có những nguyên nhân sâu xa từ cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý.
Cụ thể, đây là hệ quả tất yếu của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX đã không đạt được mục tiêu chuyển từ lượng sang chất. Bên cạnh đó, 2 "điểm nghẽn" cố hữu về hạ tầng giao thông và cơ chế quản lý làm hạn chế khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, lãng phí nguồn lực. Những vấn đề này không những không cải thiện mà trong nhiều mặt còn phức tạp hơn.
Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là cao hơn 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước nhằm phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Những dự án tạo động lực tăng trưởng đều không đáp ứng được các kỳ vọng. Điển hình như: Khu công nghệ cao, các khu công nghệ thông tin tập trung, khu cơ khí, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu y tế kỹ thuật cao, trung tâm công nghệ sinh học, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo... chưa đóng góp có hiệu quả vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các dự án trọng điểm về đô thị như khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị Cảng Hiệp Phước, khu đô thị mới Thủ Thiêm, bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, các công trình chống ngập, kết nối đường Vành đai 2; tuyến metro số 1, 2... phần lớn chưa được triển khai hoặc triển khai dang dở.
Chỉ ra những bất cập và nguyên nhân nhưng TS Trần Du Lịch cùng đánh giá cao nỗ lực của TPHCM trong hơn một năm vừa qua. "Trong hơn một năm qua, Thành phố đã tập trung cho các công trình giao thông trọng điểm, các công trình cải tạo kênh rạch; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và đô thị thông qua việc tổng kết Nghị quyết 54 đề nghị quốc hội ban hành nghị quyết mới thay thế, mang tính hệ thống hơn về phân cấp phân quyền và các chính sách tạo động lực theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ chính trị... là bước đi khá căn bản để giải quyết những "điểm nghẽn", những trở lực để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững", TS Trần Du Lịch nhìn nhận.
Nhấn mạnh giai đoạn 2021 - 2035 có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp đưa nước ta thành nước công nghiệp. TS. Trần Du Lịch đề xuất trong 10 năm tới, Thành phố cần đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn khoảng 1,2 - 1,5 lần mức bình quân của cả nước như đã đạt được trước đây.
Đặc biệt, TPHCM phải là nơi có hoạt động kinh tế mang "tính thị trường" nhất so với cả nước. Tương tự, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải được hình thành rõ nét nhất ở đây. Thành phố cũng phải là cửa ngõ chính trong giao lưu kinh tế trong nước và giao thương quốc tế; là địa phương thực hiện thành công nhất mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh thể chế, trong đó, ba nhân tố cơ bản nâng cao năng lực cạnh tranh là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phải là những đặc điểm vượt trội của Thành phố.
Về phía UBND TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, từ nay đến năm 2025 chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Do đó, Thành phố xác định cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố. Tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh; phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế Thành phố.
Cùng với đó, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Và ngay sau khi nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 được Quốc hội phê chuẩn, Thành phố sẽ triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung thí điểm cơ chế đặc thù.
Mạnh Hùng