Khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên
(Chinhphu.vn) - Ngày 8/1, tại TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu khai giảng Khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên. Sự kiện đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong sự hợp tác giữa hai đơn vị trong lĩnh vực giáo dục, công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn.
Dự buổi lễ khai giảng có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương; PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM; TS. Đoàn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Thủ Dầu Một; TS Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một; đại diện ĐH Bình Dương, ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, ĐH Ngô Quyền, CĐ Công nghệ Cao Đồng An, CĐ Việt Nam - Singapore và CĐ Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương…
Theo Ban Tổ chức, khóa đào tạo ToT này kéo dài 2 tháng, dành cho các giảng viên của trường đại học Thủ Dầu Một, do các chuyên gia của Sun Edu và các tập đoàn công nghệ vi mạch trực tiếp đào tạo.
Trong quá trình học, các giảng viên sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ thực hành từ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm và được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của các tập đoàn lớn như Synopsys, Cadence để có thể xây dựng chương trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn cho công tác giảng dạy sau này.
Phát biểu tại sự kiện, TS. Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết, điểm nổi bật của chương trình này là việc giảng viên được tiếp cận và sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch và nội dung giảng dạy tập trung vào những kiến thức thực tiễn thực sự hữu ích cho việc đào tạo lại cho các học viên, sinh viên, đảm bảo sau khi hoàn thành khóa học và vượt qua kỳ kiểm tra chất lượng một cách kỹ lưỡng, các học viên có thể làm việc ngay tại các công ty thiết kế vi mạch. Đây cũng là điều các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực vi mạch trên thế giới mong muốn khi tuyển dụng nhân lực.
Ngoài ra, chương trình còn giúp cho các học viên là giảng viên, nhà quản trị nắm bắt được những kiến thức cơ bản quản trị và điều hành tại đơn vị của mình.
Ông Cường cũng cho biết, thời gian tới, Trường ĐH Thủ Dầu Một sẽ phối hợp cùng Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu, các trường đại học, các sở ngành liên quan và các đơn vị đào tạo trên địa bàn tỉnh để khai giảng thêm các lớp đào tạo thiết kế vi mạch nhằm xây dựng nguồn lực cần thiết cho việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, ngành có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Tại lễ khai giảng, PGS.TS. Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu đã tăng trưởng 14% mỗi năm từ năm 2001 đến nay và vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Với tốc độ phát triển này, ngành vi mạch bán dẫn cần bổ sung gần 1 triệu nhân lực.
PGS.TS. Nguyễn Anh Thi cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt top 5 thế giới vào năm 2030 với nhu cầu nhân lực cho ngành này khoảng 50.000. Khu vực Đông Nam Bộ có nhiều tiềm năng để phát triển ngành này. Riêng TPHCM cần đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay đến năm 2030, tức khoảng 6.000 kỹ sư/năm. Cùng với TPHCM, tỉnh Bình Dương cũng có nhiều tiềm năng để phát triển nhân lực cho ngành này.
Còn theo ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên là lớp học khởi đầu cho chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực vi mạch bán dẫn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới, hướng đến tham gia, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái bán dẫn và tạo thêm động lực, sức hút mới để tăng cường thu hút đầu tư công nghệ cao của tỉnh.
Việc liên kết kết đào tạo giữa Trường Đại học Thủ Dầu Một với Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM là cách làm hay, đi tắt đón đầu trong liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài về nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn của tỉnh Bình Dương, góp phần hiện thực hoá mục tiêu 50.000 kỹ sư vào năm 2030 của Chính phủ cho ngành vi mạch bán dẫn.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, ngoài khoá học thiết kế vi mạch, thời gian tới, Trường ĐH Thủ Dầu Một cần tiếp tục triển khai những khóa đào tạo khác để nâng cao kỹ năng trong các mảng công nghệ khác liên quan đến Internet vạn vật, sản xuất thông minh, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trí tuệ nhân tạo,… để hoàn thiện hệ sinh thái đào tạo trong lĩnh vực công nghệ cao.
Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cũng như điều kiện về đầu tư để các trường đại học trên địa bàn Bình Dương triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.
Ngọc Tấn