Sau đại dịch COVID-19: Nỗ lực để hướng tới ngày mai tươi sáng hơn
(Chinhphu.vn) - Sau đại dịch COVID-19, giai đoạn “bình thường mới” ở TPHCM đến nay đã hơn 3 năm, với nhiều người dân của Thành phố, những ký ức đau thương vẫn chưa thể quên, nhưng họ đã và đang từng ngày nỗ lực vượt qua khó khăn, hướng tới một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
TPHCM là một trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, tuy nhiên, Thành phố cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư (từ cuối tháng 4/2021). Mặc dù có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, tuy nhiên, những tác động, ảnh hưởng của nó đến đời sống, tâm lý xã hội vẫn rất lớn, nhất là đối với một bộ phận người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt, theo thống kê của TPHCM, sau đại dịch COVID-19, Thành phố có khoảng hơn 2.300 trẻ mồ côi, mất cha, mất mẹ, nhiều trẻ mồ côi cả cha và mẹ do dịch. Đây là những mất mát lớn không gì bù đắp được đối với các em.
Những ngày tháng không thể nào quên
Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi tìm đến khu nhà cho thuê trên đường số 11, Khu phố 4, phường An Phú, TP Thủ Đức, nơi đây từng bị phong toả nhiều lần trong đại dịch COVID-19.
Trong căn nhà thuê chật chội chừng vài chục m2, bà Lê Thị Hoa, 64 tuổi tranh thủ đun nóng cơm canh để kịp bữa trưa cho các cháu sau giờ tan trường.
Đại dịch đã qua 3 năm nhưng bà Hoa vẫn ứa lệ khi nhắc về đứa con gái của mình, chị Trâm, con bà Hoa chính là mẹ của 6 đứa trẻ Tuấn Anh, Tuấn Khanh, Tuấn Kiệt, Thanh Bình, Thảo Nguyên, Thái Tường mà bà đang nuôi dưỡng.
Ngồi xuống bộ sofa cũ kỹ đặt giữa nhà, nơi bà cháu quây quần mỗi tối, bà Hoa kể về người con gái xấu số. Bà cho hay, chị Trâm có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, trước dịch chị làm đủ công việc như giúp việc nhà, phụ hồ… để nuôi các con.
Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chị vẫn nhiệt tình đi xin đồ từ thiện phát cho những người có thu nhập thấp. Trong những ngày dấn thân làm thiện nguyện, vì chưa được tiêm vaccine, kèm theo bệnh nền, chị bị nhiễm COVID-19.
Ngày 9/9/2021, chị được đưa vào viện điều trị, đến ngày 18/9/2021 thì mất. "Buổi trưa hôm đó, lúc đang nấu cơm thì nghe bệnh viện gọi báo con mất. Nghe điện thoại tôi như chết lặng, cũng không dám kể với mấy đứa nhỏ", bà Hoa nói và cho hay, từ đó, bà cháu nương tựa nhau sống qua ngày, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Hồi trước, còn khoẻ mạnh, bà đi bán vé số kiếm thêm thu nhập nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, bệnh tuổi già, đau mỏi liên tục nên bà phải ở nhà chăm lo cơm nước cho cháu ngoại.
Không chỉ gia đình bà Hoa, dịch COVID-19 đã khiến nhiều trẻ em ở TPHCM thành trẻ mồ côi. Đó là trường hợp của cậu bé Châu Gia Lộc ở phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức.
Châu Gia Lộc cho biết bản thân em chưa bao giờ nghĩ mình đã mất ba. Lộc kể, hồi đó khoảng gần cuối tháng 8/2021, ba em làm bảo vệ, không may bị mắc COVID-19, sau đó cả gia đình em phải đi cách ly, chừng 1 tuần sau, ba em trở nặng và mất.
"Lúc đó em mang cơm vô phòng chuẩn bị ăn thì nghe tin ba mất, nuốt không nổi, nghẹn đắng trong lòng", đôi mắt rưng rưng, Lộc kể. Với hai anh em Lộc, ba không chỉ là đấng sinh thành mà còn là người bạn thân thiết trong cuộc sống.
"Ba em nghiêm lắm nhưng rất thương chúng em, hồi đó đi làm được người ta cho tiền, ba dành dụm cho hai anh em ăn quà vặt rồi động viên cố gắng học để sau này có cái nghề cho bớt khổ", Lộc tâm sự.
Ước mơ lớn lên từ nghịch cảnh
Trong số 6 người cháu của bà Hoa, Tuấn Anh, Tuấn Khanh, Tuấn Kiệt nay đã đi làm kiếm tiền đỡ đần bà ngoại, còn lại 3 em nhỏ vẫn trong độ tuổi ăn học.
Sống cảnh nhà thuê, mỗi tháng đồng lương hưu ít ỏi của bà Hoa cộng thêm các khoản thu nhập lặt vặt không đủ để trang trải cuộc sống, bà cháu phải chắt chiu từng bữa để sống qua ngày. Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng bà Hoa luôn động viên các cháu cố gắng học hành để sau này trở thành người có ích cho xã hội.
"Mẹ nó mất, giờ tôi phải gánh trách nhiệm làm mẹ lần 2, biết là không bằng cha bằng mẹ chúng nhưng tôi luôn khuyên răn, dạy bảo để các cháu trưởng thành, sống tốt hơn, chỉ mong sau này chúng nó có cái nghề để kiếm sống. May mắn là cả mấy đứa đều lạc quan, chăm ngoan, học giỏi", bà Hoa nói.
Mong ước lớn nhất của bà Hoa là có được căn nhà để bà cháu có chỗ quây quần sớm tối, không phải đi thuê nữa.
Ngồi bên bà, cô bé Thảo Nguyên, học sinh lớp 6 nói sau này muốn trở thành vận động viên đánh cầu lông để có tiền phụ giúp bà ngoại. Nhắc về người mẹ đã khuất, Thảo Nguyên cho biết nhớ những lúc mẹ chở trên xe máy đi chơi. "Mẹ con mất rồi nhưng con nhớ mẹ lắm, hồi đó mẹ hay dẫn đi chơi rồi mua đồ ăn cho con", Thảo Nguyên nói.
Còn cu cậu Thái Tường, cháu út của bà Hoa năm nay đã bước vào lớp 1. Thái Tường ước mơ trở thành chú Công an để bắt tội phạm. Hỏi về mẹ, Thái Tường trả lời trong sự ngây thơ "Mẹ thành con chim bay đi mất rồi".
"Nhà có 6 đứa, mấy anh nó lớn rồi còn Thảo Nguyên và Thái Tường thương bà lắm, khi ngoại ngủ đắp mền cho ngoại, lúc ngoại đau thì lấy dầu xức, nhiều lúc thấy ngoại khóc thì chạy lại nói ngoại đừng khóc, ngoại nhớ mani (mẹ) phải không", bà Hoa vuốt đầu cháu gái rồi kể cho chúng tôi nghe.
Với Châu Gia Lộc, em cho biết từ ngày ba mất, gia đình em mất đi chỗ dựa vững chắc. Là con lớn, ý thức được trách nhiệm của mình, em luôn cố gắng kìm nén nỗi buồn để động viên mẹ và em trai.
Hiện Lộc cùng mẹ và em trai đang thuê trọ ở phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức. Lộc đang theo học chuyên ngành Sư phạm vật lý của trường Đại học Sài Gòn. Ngoài thời gian học, em tranh thủ làm thêm ở quán cà phê để đỡ đần mẹ, mong ước của em là sau khi ra trường có được công việc làm ổn định để lo cho gia đình và có tương lai tốt đẹp hơn.
"Mồ côi ba là nỗi đau, cú sốc lớn nhất trong cuộc đời em nhưng em xem đó là nguồn động lực để vươn lên", Lộc nói.
Không chỉ bà cháu bà Hoa và Châu Gia Lộc, rất nhiều những hoàn cảnh khác ở TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19 hiện vẫn đang từng ngày vượt qua khó khăn để vươn lên, hướng tới ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
Hoàng Kim