Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương làm việc với Khu CNC TPHCM
(Chinhphu.vn) - Chiều 11/5, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu đã thăm, làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (Khu CNC).
PGS. TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu CNC TPHCM, cho biết, trải qua 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Khu CNC TPHCM đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng theo quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển.
Hiện Khu CNC đã thu hút được 160 dự án, trong đó, 70 dự án sản xuất CNC; 19 dự án dịch vụ CNC; 19 dự án nghiên cứu triển khai; 9 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ CNC; 9 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng.
Trong đó có 51 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với các tập đoàn lớn trên thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia),.... có dự án đầu tư. Tổng vốn đầu tư bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn hơn 10 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu tăng dần hàng năm, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TPHCM), năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự kiến năm 2023 đạt 26 tỷ USD. Tổng lao động trong các dự án, tính đến cuối năm 2022 là 51.910 người, trong đó có 51.340 lao động trong nước và 570 lao động nước ngoài.
Khu CNC cũng đã hợp tác chặt chẽ với Đại học Quốc gia TPHCM, cùng các Viện trường triển khai các hoạt động R&D, đào tạo, ươm tạo CNC, doanh nghiệp CNC và đạt được một số kết quả bước đầu như cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, đào tạo và tái đào tạo, một số hợp tác đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia và thành phố, hình thành và phát triển năng lực nội sinh về CNC cho thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, bên cạnh những kết quả thu hút đầu tư, đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố và cả nước, Khu CNC đã hình thành nên những hệ sinh thái ngành mạnh và những cơ sở hạ tầng về khoa học công nghệ làm tiền đề cho sự phát triển của Khu CNC ở giai đoạn tiếp theo với trọng tâm là phát triển năng lực nội sinh. Khu CNC xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành tiểu đô thị khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Giai đoạn tới, theo ông Nguyễn Anh Thi, trọng tâm công tác của Khu CNC là phát triển năng lực nội sinh, trong đó tập trung vào phát triển các ngành, lĩnh vực có tính nền tảng, có tác động lan tỏa cao ở tầm quốc gia, gắn với các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại Khu CNC và tận dụng triệt để các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nguồn nhân lực trình độ cao, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt trình độ thế giới, hoạt động theo mô hình của khu công viên khoa học và công nghệ, trong đó việc mở rộng, bổ sung chức năng Khu công viên Khoa học và Công nghệ có quy mô 197ha là nhiệm vụ chiến lược.
Chia sẻ tại buổi làm việc, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian qua, lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực. Việt Nam có tiềm năng về nhân lực nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực tế. Một số chuyên gia kiều bào cho rằng, cần có chính sách làm sao để có thể thu hút được ngày càng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước cộng tác và làm việc tại Việt Nam, tạo những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thế giới. Bên cạnh đó, sớm có những chính sách phù hợp, tạo thuận lợi về thuế, về thu nhập để khuyến khích, thu hút chuyên gia kiều bào giỏi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những kết quả mà Khu CNC TPHCM đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tới khoa học công nghệ nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, giai đoạn hiện nay, bên cạnh tiềm năng thế mạnh về tự nhiên thì nguồn lực con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, công việc cần đẩy mạnh hiện nay là khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, phát huy văn hóa, con người Việt Nam trong đó có tinh thần đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, với sự phát triển như vũ bão, sự bùng nổ của khoa học công nghệ, của trí tuệ nhân tạo trên thế giới. Đối với Khu CNC TPHCM, Trưởng Ban tuyên giáo cho rằng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, có cơ chế thu hút ngày càng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNC ở nước ngoài về hợp tác, thúc đẩy khoa học công nghệ của TPHCM nói riêng và của Việt Nam nói chung phát triển, tiệm cận với khoa học công nghệ cũng như một số lĩnh vực khác của khu vực và quốc tế.
Để làm được điều này, Trưởng ban Tuyên giáo mong sẽ nhận được đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để tham mưu giúp Đảng, Nhà nước có những quyết sách mang tính đột phá. Trong đó, nội dung cần làm rõ là phải làm gì để cho khoa học công nghệ của đất nước ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Theo đó, nội dung về hoàn thiện hệ thống pháp luật, định hướng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hay những cơ chế, chính sách, hình thành nền tảng mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh lĩnh vực khoa học công nghệ… là rất quan trọng để Trung ương ban hành các quyết sách đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, khoa học công nghệ cần phát huy hơn nữa tính ứng dụng trong thực tiễn. Cùng với đó, chúng ta cần phải chủ động với quyết tâm cao, khơi thông các điểm nghẽn để phát huy sáng tạo, tạo đột phá, khơi dậy các nguồn lực để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững".
Cũng trong chương trình làm việc, đoàn công tác đã tham quan Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC), mô hình hợp tác công tư trong thu hút, trọng dụng trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở thung lũng silicon góp phần phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn.
Ngọc Tấn