Cải cách hành chính: Còn phiền hà cho người dân
(Chinhphu.vn) - Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) mấy năm gần đây được xem là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Các bộ, ngành và địa phương đều đặt mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm TTHC để giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Thế nhưng, sau trải nghiệm thực tế khi làm giấy tờ tại một cơ quan công quyền ở TPHCM, tôi tự hỏi: tại sao công nghệ thông tin vẫn chưa được ứng dụng triệt để vào xử lý các vấn đề về TTHC?
Có nhu cầu làm hộ chiếu cho hai con, tôi mang đầy đủ hồ sơ theo quy định đến Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an TPHCM để nộp hồ sơ.
Đến cơ quan này, điều đầu tiên nhận thấy không có bãi đậu xe, không có bảo vệ hướng dẫn, người dân phải tìm các bãi xe "lấn chiếm" lòng lề đường xung quanh đó gửi tạm. Tôi xếp hàng cùng dòng người đợi đến lượt. Thế nhưng sau thời gian xếp hàng chỉ để nhận một phiếu hẹn cho ngày khác quay lại nộp hồ sơ.
Bản thân tôi từ Quận 7, đi đến Quận 3 thì xem như không quá xa xôi, nhưng có bác lớn tuổi quay ra đầy bức xúc. Ông từ Hóc Môn lên xếp hàng từ sớm mà chỉ nhận phiếu hẹn lần sau quay lại nộp hồ sơ, như vậy là rất vất vả cho người dân.
Mark Nicholas, bạn tôi, một công dân người Anh sau khi gửi hồ sơ online, đặt hẹn qua mạng với cán bộ Tổng Lãnh sự Anh tại TPHCM cho bản Giấy tuyên thệ độc thân (ở Việt Nam có giá trị như một giấy chứng nhận độc thân). Theo đúng giờ hẹn, anh có mặt cơ quan này, chỉ mất khoảng 5 phút anh đưa các giấy tờ gốc đối chiếu, rồi giơ tay tuyên thệ, nhận giấy chứng nhận và ra về.
Để giấy Tuyên thệ độc thân có giá trị sử dụng ở Việt Nam, anh phải qua Sở Ngoại vụ TPHCM hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định.
Đến Sở Ngoại vụ TPHCM, tiếp tục xếp hàng chờ đến lượt thì một cán bộ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, hướng dẫn Mark Nicholas đi thanh toán lệ phí, photo thêm một bản hồ sơ và sang phòng đối diện tiếp tục ngồi chờ. Mark Nicholas nghĩ có lẽ đây là bước cuối cùng để đóng dấu hợp pháp hoá lên hồ sơ của anh.
Nhưng khi sang phòng đối diện, anh tiếp tục phải bốc số và chờ đợi sau một hàng dài những người đến trước. Gần 2 tiếng sau cũng đến lượt Mark Nicholas được gọi tên. Hoá ra đây mới là bước nộp hồ sơ, nhận phiếu hẹn hôm sau quay lại nhận kết quả.
Và tất nhiên, hôm sau quay lại lấy kết quả, anh phải thực hiện quy trình giống như ngày hôm trước.
Mark Nicholas hỏi tôi sao việc làm giấy tờ ở Việt Nam lại mệt mỏi và mất nhiều thời gian đến vậy? Nếu anh chỉ mất 5-10 phút để có giấy tờ anh cần tại Tổng Lãnh sự Anh, thì để hợp pháp hoá lãnh sự giấy tờ gốc đó bởi Sở Ngoại vụ TPHCM lại phải cần đến hai buổi đi lại, chờ đợi!
Mark Nicholas cho rằng, không thể lấy lý do lượng người nộp hồ sơ quá đông dẫn đến quá tải, mà là do sự sắp xếp thiếu khoa học, không ứng dụng triệt để các lợi ích từ công nghệ thông tin trong tiếp nhận và trả kết quả cho người dân!
Thiết nghĩ, trừ trường hợp người lớn tuổi không dùng đến công nghệ hay lý do gì đó mà số ít không làm được thủ tục qua mạng, còn lại nếu như chúng tôi - người dân được nộp hồ sơ online trước, cán bộ xử lý nhận và xử lý hồ sơ qua mạng (cụ thể là qua kênh email cơ quan đó chẳng hạn), đối chiếu hồ sơ, tư vấn và cho người dân cái hẹn qua email thì tốt biết mấy, chúng tôi chỉ việc mang hồ sơ gốc lên 1 lần là xong.
Hay trường hợp như tôi làm hồ sơ cho trẻ em dưới 14 tuổi phải nộp trực tiếp tại văn phòng thì chí ít cũng cho tôi được đặt lịch hẹn qua email, đúng ngày đúng giờ chúng tôi mang hồ sơ như lịch hẹn. Đằng này phải lên xếp hàng mới lấy được cái phiếu hẹn cho ngày khác lại quay lại nộp hồ sơ thì quả rất phiền hà!
Ở TPHCM hiện nay, đa phần nhà nhà người người đều dùng điện thoại thông minh, đều có mạng Internet. Nếu bộ máy hành chính từ cấp thành phố đến cấp quận huyện, phường xã đều quán triệt, quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính thì chắc chắn sẽ tiết kiệm được chi phí không nhỏ về thời gian, công sức đi lại của dân, bộ máy chính quyền cũng giảm tải công việc, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Nguyên Nhung