Đại học khởi nghiệp: Xu thế của thế giới
(Chinhphu.vn) - Phát triển các trường đại học trở thành đại học khởi nghiệp hiện đang là xu thế của thế giới.
Tại sao phải phát triển đại học khởi nghiệp?
Đại học khởi nghiệp là đại học có khả năng tạo ra các loại hình doanh nghiệp Spin off, Spin out và Startup nhiều nhất có thể trên cơ sở xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu hiệu quả.
Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là những doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Ví dụ như Amazon, Facebook, Apple, Microsoft, Tesla,… với doanh số hàng trăm tỷ USD/năm chính là những doanh nghiệp bắt đầu từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thực tế cho thấy, quốc gia nào có số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhiều thì nền kinh tế phát triển, số thu ngân sách tăng nhanh và rất lớn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bằng cách nào để có thể phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhiều và nhanh nhất? Và câu trả lời: Các trường đại học khởi nghiệp là nơi tạo ra số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhiều và nhanh nhất có thể.
Tại Việt Nam, mục tiêu lớn nhất của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia là tạo ra ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhưng để thực hiện mục tiêu này thì cần phải trả lời câu hỏi: Nguồn lực ở đâu để phát triển loại hình doanh nghiệp này, với điều kiện nguồn lực đó phải ổn định, lâu dài, có chất lượng? Câu trả lời: Đại học khởi nghiệp chính là nơi đáp ứng tốt nhất để có thể thực hiện mục tiêu này.
Ở những nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nơi có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, có đến 80 - 85% doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xuất phát từ trường đại học.
Trong khi đó, trên 90% doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam được thành lập bên ngoài khu vực trường đại học. Tuy nhiên, số lượng cũng rất ít, không đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định cần phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước. Trong đó, phấn đấu đến 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp và đến 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.
Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 5/2022, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước là 866.000 doanh nghiệp. Riêng TPHCM có khoảng 286.000 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 31%).
Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhưng đến nay, sau 8 năm, cả nước mới có khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh gồm những gì?
Mô hình phát triển của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, cần phải chuyển sang mô hình mới: Trở thành trường đại học khởi nghiệp.
Đại học truyền thống với sứ mệnh là giáo dục và đào tạo không đáp ứng được yêu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Yêu cầu mới đặt ra cho đại học là cùng với đào tạo thì cần phải nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để tạo ra công nghệ, mô hình kinh doanh mới, có thể giải quyết các vấn đề của nền kinh tế - xã hội.
Do đó, đại học khởi nghiệp, nơi huy động được nguồn lực (giáo viên, sinh viên được đào tạo bài bản, số lượng lớn) ổn định và lâu dài, đủ điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển nhanh và mạnh mẽ nhất. Đây là lực lượng chủ đạo, đáp ứng được sự đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh mà một đại học khởi nghiệp cần phải có gồm những yếu tố cơ bản sau: Trung tâm thương mại hóa và chuyển giao công nghệ; Trung tâm ươm tạo và khởi nghiệp; Câu lạc bộ Mentor; câu lạc bộ cựu sinh viên; Các doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong và ngoài đại học.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là cần có cơ chế hợp tác để khai thác hiệu quả các nguồn lực cho phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
TPHCM sẽ xây dựng thí điểm đại học khởi nghiệp
TPHCM có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động lớn nhất cả nước. Điều này cho thấy Thành phố là nơi có môi trường tốt, thuận lợi để xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tại hội nghị chuyên đề Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM ngày 16/9/2023, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết Thành phố khuyến khích các trường thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển.
Theo ông Phan Văn Mãi, các trường đại học cần phải có trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ông cũng thống nhất với đề xuất chọn 5 - 6 trường đại học để tập trung xây dựng thí điểm đại học khởi nghiệp và cho biết có thể chọn một số trường công lập và trường ngoài công lập đủ tiềm năng để làm thí điểm trước.
Phiên họp chuyên đề của HĐND TPHCM khóa X ngày 11/11/2023 cũng đã thông qua nghị quyết quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TPHCM. Đây là một trong những nội dung trọng tâm để triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Nghị quyết 98 quy định 9 lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp được ưu tiên, gồm: thương mại điện tử; công nghệ tài chính; logistics; công nghệ giáo dục; y tế và chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển bền vững; chuyển đổi số; an ninh mạng.
Các dự án được tuyển chọn dựa theo tính sáng tạo, năng lực tổ chức thực hiện, hiệu quả kinh tế hoặc tác động xã hội, thị trường tiềm năng, ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh. Cụ thể, với dự án ở giai đoạn tiền ươm tạo, TPHCM sẽ hỗ trợ 40 triệu đồng/dự án; dự án ở giai đoạn ươm tạo, hỗ trợ 80 triệu đồng/dự án và dự án ở giai đoạn tăng tốc sẽ hỗ trợ 400 triệu đồng/dự án.
Việt Nam có 238 trường đại học, học viện; 412 trường cao đẳng. Số lượng giảng viên, người làm nghiên cứu và sinh viên rất lớn, lên đến hàng triệu người. Đây là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có trình độ cao. Vì vậy, nếu phát huy hiệu quả lực lượng lao động này thông qua phát triển đại học khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả vô cùng to lớn, đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước mạnh mẽ, bền vững.
Đặng Đức Thành
Chủ tịch CLB các nhà kinh tế (VEC)