TPHCM kêu gọi hiến kế của chuyên gia, trí thức kiều bào

11/02/2022 6:28 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều ngày 11/2, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức Tọa đàm gặp gỡ kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu với chủ đề “TPHCM - Sức sống mới sau dịch bệnh COVID-19: Định hướng và phát triển dưới góc nhìn kinh tế”.

TPHCM kêu gọi hiến kế của chuyên gia, trí thức kiều bào - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan ghi nhận sự đóng góp của kiều bào và mong kiều bào tiếp tục quan tâm góp ý, hiến kế cho sự phát triển của Thành phố trên nhiều lĩnh vực - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Dự tọa đàm có ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài; ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố và đại diện cộng đồng trí thức, nhà khoa học, doanh nghiệp là kiều bào, người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu chúc mừng đầu Xuân Nhâm Dần và cảm ơn kiều bào, người Việt Nam ở nước ngoài đã dành nhiều tâm trí, tài lực cho Thành phố trong giai đoạn trước, trong và sau đại dịch COVID-19, ông Võ Văn Hoan khẳng định, Thành phố luôn xác định kiều bào, người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực quan trọng giúp Thành phố hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế-xã hội trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, đến giờ này có thể khẳng định TPHCM đã bước vào trạng thái bình thường mới, tự tin để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công việc, hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố và kế hoạch 5 năm của Thành phố đã đặt ra.

Nhưng khó khăn vẫn còn bởi cả năm 2021 Thành phố không thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội vì dịch COVID-19. "Cho nên năm 2022 chúng ta phải làm việc nhiều hơn, phải làm việc gấp đôi, gấp ba lần để một mặt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm 2021 chưa thành công, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ của năm 2022. Để làm sao bù đắp cho suốt thời gian giãn cách xã hội Thành phố không thể triển khai công việc", ông Hoan khẳng định.

Thành phố xác định chủ đề năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tiếp tục nâng cao xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp. Với mục tiêu Thành phố phải đảm bảo kiểm soát thật tốt, có hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong 5 năm, đặc biệt là trong hai năm 2021 và 2022.

Để đạt được mục tiêu này, ngoài nỗ lực của Thành phố, sự hỗ trợ của Trung ương thì Thành phố xác định kiều bào là một trong những nguồn lực quan trọng. Lãnh đạo Thành phố rất mong kiều bào tiếp tục quan tâm góp ý, hiến kế cho sự phát triển của Thành phố trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, công tác phòng, chống dịch COVID-19, những vấn đề liên quan đến chính quyền đô thị, xây dựng mô hình và phương thức hoạt động của những đô thị mới và các giải pháp thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, thu hút đầu tư…

Thực tế, trong giai đoạn TPHCM và cả nước bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19, càng thấy được tâm huyết và công sức của bà con kiều bào dành cho quê hương đất nước. Đó là những đóng góp bằng tiền, vật tư thiết bị y tế, hàng hóa thiết yếu và công sức của người Việt Nam ở nước ngoài gửi về Thành phố. Các nhóm chuyên gia, trí thức kiều bào đã bằng nhiều hình thức kết nối, tổ chức các tọa đàm, hội thảo chia sẻ, hiến kế với chính quyền Thành phố trong chính sách chống dịch cũng như phục hồi kinh tế.

Mới đây nhất, CLB kết nối doanh nhân Việt Nam - Quốc tế ra đời nhằm chia sẻ cơ hội kinh doanh, hợp tác cùng phát triển trước bối cảnh hoạt động kết nối giao thương Việt Nam - quốc tế gặp nhiều khó khăn và thách thức kéo dài từ năm 2020 đến nay. Với tâm huyết mang hàng Việt ra thế giới, ông Đinh Vĩnh Cường, doanh nhân người Việt tại Nhật Bản cho biết đang nỗ lực kết nối, quảng bá để người nước ngoài ở các nước sở tại tiếp cận được hàng Việt Nam.

TPHCM kêu gọi hiến kế của chuyên gia, trí thức kiều bào - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan và các kiều bào dự Tọa đàm - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Trong khi đó, ông Peter Hồng, kiều bào Australia, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) cho biết cộng đồng doanh nhân người Việt ở nước ngoài sẽ là cánh tay nối dài của Chính phủ thực hiện Đề án 1797 kêu gọi bà con kiều bào khắp năm châu ưu tiên sử dụng Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ông Hồng nói, con số kiều hối gửi về trong nước chỉ là một phần, còn đóng góp lớn hơn của kiều bào chính là tri thức. Thời gian qua kiều bào đã nhiệt tình đóng góp nhiều ý kiến. "Mong rằng TPHCM ghi nhận các ý kiến của kiều bào, và nếu thấy phù hợp thì triển khai và thông tin lại cho kiều bào được biết các việc đó đã được triển khai như thế nào, để tiếp tục đóng góp". Ông Peter Hồng khẳng định, bà con kiều bào lúc nào cũng hướng tâm hồn về quê hương, mảnh đất hình chữ S.

Ông Lê Bá Linh, Phó Ban liên lạc kiều bào Lào - Thái Lan, Chủ tịch HĐQT Pacific Foods với kinh nghiệm hơn 10 năm đưa sản phẩm truyền thống của Việt Nam ra thị trường thế giới cho biết sẵn sàng chia sẻ với các doanh nghiệp khác về thủ tục hành chính, hỗ trợ đưa sản phẩm ra nước ngoài.

Ông Steve Bùi, kiều bào Nhật, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn và Đầu tư tài chính Delta E&C đề xuất Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM nên thành lập một phòng/tổ tư vấn cho các doanh nghiệp muốn xuất khẩu đi nước ngoài. 

Trông đợi vào kế hoạch kết nối lại tất cả các đường bay quốc tế vào cuối tháng 3 năm nay, ông Đinh Vĩnh Cường đề xuất khi chúng ta mở cửa thì phải mở lại toàn bộ các dịch vụ. Bởi vì chuyên gia, khách quốc tế, nhà đầu tư đến Việt Nam không chỉ để du lịch hay đầu tư. Ngoài ra, ông Cường cho rằng cần thay đổi tư duy, tâm thế trước dịch bệnh. Những con số thống kê người nhiễm mới không còn nhiều ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay mà càng khiến bạn bè quốc tế ái ngại về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam. "Không thể nào với tư duy cũ mà mang lại kết quả mới", ông Cường nói.

Trước những góp ý tâm huyết của kiều bào, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan một lần nữa khẳng định, quan điểm của Thành phố, với những vấn đề khó mà đã có cơ sở làm thì triển khai làm ngay, việc nào bế tắc, chưa có thực tiễn thì tìm đến trí thức, chuyên gia kiều bào chia sẻ kinh nghiệm. Những vấn đề mới, lạ lẫm, chưa có tiền lệ mà Thành phố có ý tưởng mới nhưng chưa có cơ quan tham mưu thì Thành phố sẽ mời gọi chuyên gia, trí thức kiều bào xây dựng.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Ngoại giao, ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cảm ơn sự hỗ trợ, đóng góp của bà con kiều bào đối với sự phát triển đất nước và Thành phố nói riêng, đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua. Với tinh thần dân tộc, luôn hướng về cội nguồn, kiều bào, người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực, kịp thời hỗ trợ trang thiết bị y tế, tài chính, kinh nghiệm phòng, chống dịch giúp đất nước và TPHCM kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết của đại diện kiều bào, người Việt Nam ở nước ngoài đưa ra tại Tọa đàm; cho rằng những đóng góp đó không chỉ có giá trị với riêng TPHCM mà còn có thể áp dụng với nhiều địa phương khác trên cả nước; đồng thời bày tỏ tin tưởng Thành phố sẽ tiếp tục làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy vai trò là cầu nối huy động nguồn lực của kiều bào cho sự phát triển, giúp Thành phố đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Băng Tâm

Top