Đại học khởi nghiệp: Trụ cột của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
(Chinhphu.vn) - Đại học khởi nghiệp phải là nơi tạo ra một môi trường đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tư duy sáng tạo cho thầy cô và sinh viên; khuyến khích hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trường đại học cần chuyển đổi sang mô hình đại học khởi nghiệp
Không chỉ đơn thuần tạo ra nguồn nhân lực cho một ngành nghề hay một lĩnh vực cụ thể như từ trước đến nay các trường đại học vẫn làm, trong bối cảnh mới, các trường đại học cần chuyển đổi theo mô hình đại học khởi nghiệp, nơi tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội theo xu thế cách mạng công nghệ 4.0, kinh tế số, AI, IoT, cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Với mô hình đại học khởi nghiệp, đây sẽ là một môi trường đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tư duy sáng tạo cho thầy cô và sinh viên; khuyến khích hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đây cũng là nơi tổ chức nghiên cứu, xây dựng những mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới, đồng thời phát triển các mô hình công nghệ mới này và chuyển giao công nghệ; thúc đẩy và hiện thực hóa các ý tưởng đổi mới sáng tạo, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội yêu cầu, trở thành trụ cột của hệ thống đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Để đưa những kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn, cung cấp sản phẩm hoặc những dịch vụ, giải pháp cho xã hội, đại học khởi nghiệp phải có tư duy doanh nghiệp và hướng việc đào tạo và nghiên cứu đến giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương của quốc gia.
Một trong những mô hình kinh doanh khá phổ biến gắn với hoạt động của các trường là mô hình doanh nghiệp Spin-off. Đây là doanh nghiệp được hình thành dựa trên ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ tạo ra ở viện, trường, với sự tham gia của các thầy cô, sinh viên, doanh nghiệp và quỹ đầu tư.
Loại hình doanh nghiệp này tập trung vào một lĩnh vực cụ thể, sử dụng nguồn lực hoặc chuyên môn trong công ty mẹ kết hợp nguồn nhân lực chất lượng cao trong trường đại học nhằm tạo ra mô hình kinh doanh hay công nghệ mới.
Tuy nhiên, các trường đại học muốn phát triển theo mô hình đại học khởi nghiệp, lãnh đạo các trường cũng như giảng viên, sinh viên phải có tinh thần khởi nghiệp, có kỹ năng khởi nghiệp; kỹ năng triển khai thương mại hóa và chuyển giao công nghệ và đặc biệt là thúc đẩy và hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngay trong trường đại học.
Trụ cột của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
Sứ mệnh của đại học khởi nghiệp là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, những bằng phát minh, sáng chế, thúc đẩy và hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cơ sở ứng dụng, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ.
Cùng với đó, đại học khởi nghiệp còn phải có vai trò cung cấp kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng về đổi mới sáng tạo cho sinh viên, cho giảng viên trong nhà trường; kết nối, chuyển giao mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới của quốc gia và thế giới…
Gắn kết với các xu thế kinh tế lớn của thế giới tác động đến doanh nghiệp như: Xu thế tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu; Xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và những tác động thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi công nghệ.
Thực hiện mô hình "chuỗi xoắn ba" trong đại học khởi nghiệp (nhà nước, viện - trường và doanh nghiệp) để cùng nhau giải quyết vấn đề đổi mới sáng tạo, sứ mệnh của đại học khởi nghiệp. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên cơ sở hợp tác giữa 3 bên để triển khai những chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của quốc gia...; giải quyết những vấn đề liên quan đến chuyển đổi xanh (hướng đến Netzero năm 2050), nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao... giúp địa phương, quốc gia phát triển mạnh mẽ.
Một quốc gia muốn phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững phải phát triển mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài nguồn thu lớn nhất là thu từ hoạt động của doanh nghiệp, quốc gia còn giải quyết được nhiều vấn đề trong thực tiễn đặt ra. Trong khi nguồn nhân lực để có thể giải quyết những vấn đề lớn cho quốc gia bắt đầu từ các trường đại học.
Theo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 của Bộ giáo dục và đào tạo, cả nước có 238 viện, trường đại học; riêng tại TPHCM có 62 viện - trường đại học. Nếu định hướng phát triển các trường đại học theo mô hình đại học khởi nghiệp sẽ có tác động mang tính đột phá trong phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế xã hội TPHCM và quốc gia.
Có thể nói rằng đại học khởi nghiệp chính là trụ cột của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là xu thế của thế giới.
Phát triển mô hình đại học khởi nghiệp tại các trường đại học sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, tác động rất tích cực đến các trường đại học, các bên liên quan: Nhà trường (thầy cô, sinh viên); nhà đầu tư (doanh nghiệp, quỹ đầu tư), nhà nước (thành phố và quốc gia).
CEO Đặng Đức Thành
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Green+
Chủ tịch CLB Các nhà Kinh tế (VEC)